Ngày 8/8, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Lễ ra mắt Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính. Theo đó, kiểm kê khí nhà kính là bước đầu tiên trong việc DN chuyển đổi chiến lược kinh doanh, hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, nhằm nâng cao nhận thức và thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tài chính xanh vì một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.
Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ SECO và Cơ quan Tiêu chuẩn quốc gia Vương quốc Anh (BSI Việt Nam), nhằm giúp các DN thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn, giúp DN đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng, cũng như giúp DN bắt đầu hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Sau khi biết được tổng lượng phát thải, DN căn cứ vào dữ liệu thu thập để tìm hiểu nguồn thải chiếm đa số đến từ đâu, để đánh giá nguồn thải nào có thể giảm bớt và xác định mục tiêu giảm thải cụ thể. Trên cơ sở này, một kế hoạch hành động cụ thể sẽ được xây dựng, triển khai thực hiện và giám sát các hoạt động giảm phát thải hướng tới mục tiêu đã đặt ra. Đây cũng là một cấu phần thiết yếu trong lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 và là nền tảng đầu tiên của mọi chiến lược bền vững của DN.
Theo ông Phạm Hồng Sơn- Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phát triển bền vững là xu hướng phát triển chung của thế giới, nhằm hạn chế và loại bỏ các tác động xấu của biến đổi khí hậu đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đến các thế hệ tương lai. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt và sẽ chịu thiệt hại nặng nề do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu...
Nhận thức được những thách thức này và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; Quyết định 01/2022/QĐ-TTG ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Phó Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, Chương trình được triển khai nhằm nâng cao nhận thức và thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam. "Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh"- ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững cũng là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng DN, nhà đầu tư nhằm tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng), nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững.
Đồng hành cùng Chính phủ, năm 2020, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC thay thế Thông tư 155/TT-BTC- tiếp tục có những bước cải thiện hơn nữa khi nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững, cụ thể là yêu cầu các DN công bố thông tin phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại Báo cáo thường niên.
Cùng với đó, Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo phát thải khí nhà kính được xây dựng nhằm giúp các DN thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn, giúp các DN đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng, cũng như bắt đầu hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Đồng thời, thông qua các chương trình đào tạo về báo cáo, kiểm kê khí nhà kính, các thành viên tham dự được tìm hiểu về bối cảnh quốc tế, nguyên nhân và cơ chế của biến đổi khí hậu và các nguồn phát thải khí nhà kính. Các thành viên tham dự cũng được hướng dẫn về các vấn đề, nội dung cần đưa vào báo cáo, cũng như quy trình, cách thức tổ chức báo cáo, kiểm kê khí nhà kính theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018.
Bà Nguyễn Thiên Hương- chuyên gia của IFC chia sẻ thêm: "Hiện có rất nhiều tài liệu khác nhau liên quan đến kiểm kê và báo cáo khí nhà kính, song cuốn Sổ tay này có hướng dẫn ngắn gọn, tổng hợp các kiến thức cơ bản, các tiêu chuẩn và thực hành liên quan, nhằm giúp DN tiếp cận được những thông tin nhanh chóng trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện báo cáo".
Sổ tay hướng dẫn này chia làm 3 phần: Phần đầu cung cấp thông tin bối cảnh chung, các khái niệm, định nghĩa liên quan đến khí nhà kính, phát thải ròng bằng 0, carbon dioxit tương đương, tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP). Phần thứ hai cung cấp thông tin về các quy định, tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như chuẩn mực và thông lệ quốc tế đang có hiệu lực liên quan đến kiểm kê và báo cáo khí nhà kính. Phần thứ ba là phần trọng tâm, giới thiệu quy trình kiểm kê và báo cáo khí nhà kính ở cấp độ tổ chức.
Thái An