Chiều 3/8, tại Sở LĐ-TB&XH, 4 cơ quan gồm Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ và BHXH TP.HCM tổ chức Lễ Ký kết Quy chế phối hợp hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, việc làm, ATVSLĐ, BHXH, Công đoàn trong DN. Với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi về tiền lương, BHXH… cho NLĐ.
Phát biểu tại Lễ Ký kết, đại diện Lãnh đạo 4 cơ quan, đơn vị là ông Phạm Minh Tuấn- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; ông Lê Văn Thinh- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; bà Trần Diệu Thúy- Chủ tịch LĐLĐ và ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ký kết giữa 4 cơ quan, đơn vị trên địa bàn trọng điểm như TP.HCM. Đồng thời, bày tỏ sự cần thiết của việc ký kết “4 bên” trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, việc làm, ATVSLĐ, BHXH, Công đoàn tại các DN, với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi về tiền lương, BHXH… cho NLĐ.
Ký kết Quy chế phối hợp "4 bên" để bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ
Trên cơ sở đó, Lãnh đạo 4 cơ quan, đơn vị đã đồng thuận ký kết phối hợp công tác với các nội dung chính gồm: Phối hợp triển khai, hướng dẫn các Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ, ngành thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và những quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người SDLĐ, NLĐ.
Bên cạnh đó, định kỳ 6 tháng hoặc khi có yêu cầu của các bên, tổ chức họp để trao đổi thông tin tình hình lao động, việc làm tại DN, tình trạng DN nợ quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời phân công cán bộ làm việc với DN chấn chỉnh những vi phạm về thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ, góp phần phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM phát biểu lại Lễ ký
Sau ký kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, BLLĐ, Luật Việc làm, Luật BHXH... Song song với đẩy mạnh việc tổ chức “Tư vấn pháp luật lưu động” cho công nhân, lao động tại DN có đông công nhân, lao động; khu lưu trú, nhà trọ kịp thời nắm bắt thông tin từ NLĐ, giải đáp những vướng mắc của công nhân, lao động khi thực hiện chế độ chính sách có liên quan.
Tại Lễ Ký kết, “4 bên” cũng đồng thuận tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra đột xuất tại các DN về chấp hành, thực hiện pháp luật lao động, BLLĐ, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Để có căn cứ thực hiện, định kỳ hàng quý, BHXH Thành phố cung cấp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ danh sách các đơn vị nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên, trên cơ sở đó, các cơ quan sàng lọc để lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có tình hình nợ kéo dài.
Các bên cũng thống nhất thông tin kịp thời và phối hợp giải quyết trực tiếp hoặc hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH, LĐLĐ quận, huyện các trường hợp DN giảm nhiều lao động do thiếu đơn hàng, các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra trên địa bàn Thành phố. Phối hợp, giải quyết việc chốt sổ BHXH, thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho công nhân lao động tại những DN có chủ bỏ trốn; DN giải thể, phá sản còn nợ tiền BHXH…
Ông Lò Quân Hiệp đánh giá: “Quy chế là tiền đề giúp sự phối hợp giữa các đơn vị được nâng cao. Đặc biệt là với cơ quan BHXH luôn xác định “muốn đi được xa thì phải đi cùng nhau”, và giải pháp này cần nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”. Ông Lò Quân Hiệp khẳng định, trong chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định trong Quy chế, cơ quan BHXH sẽ cố gắng triển khai tốt nhất công tác phối hợp. Cụ thể như, tăng cường phối hợp với cơ quan, ban ngành, báo, đài tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN giúp cho NLĐ hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia, đặc biệt các quyền lợi khi hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn như: Ốm đau, thai sản, TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, BH thất nghiệp, BHYT; quyền lợi lâu dài như hưu trí, tử tuất; những thiệt thòi khi nhận trợ cấp BHXH một lần.
Cơ quan BHXH cũng sẽ chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN và cung cấp danh sách doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài cho Sở LĐ-TB&XH để phối hợp đôn đốc các DN đóng đầy đủ cho NLĐ. Đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời tránh xảy ra ngừng việc tập thể, đình công, chủ DN bỏ trốn; cung cấp danh sách đơn vị nợ BHXH (có số tháng nợ trên 3 tháng) cho Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác hòa giải các tranh chấp về lao động, BHXH, BHYT tại các DN trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp hỗ trợ pháp lý cho NLĐ khi có tranh chấp về BHXH, BHYT. Phối hợp kiểm tra, xác minh khi có khiếu nại của NLĐ về các quyền lợi BHXH, BHYT nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
Bên cạnh đó, phối hợp xem xét, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, DN cố tình vi phạm pháp luật lao động và BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ trong các DN…
Phát biểu tại Lễ Ký kết Quy chế, ông Phạm Anh Thắng- Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM đánh giá: “Quy chế phối hợp là sáng kiến tốt, bởi phía Nam chưa có địa phương nào quy tụ được 4 cơ quan ngồi “chung mâm” để phát huy tốt hiệu quả trong việc phối hợp bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản cho NLĐ như tiền lương, BHXH, BHYT, việc làm... Bên cạnh đó, TP.HCM là khu vực lao động sôi động nhất nhưng cũng nhiều rủi ro. Trong đó, tình trạng vi phạm về tiền lương, BHXH của NLĐ vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay có quá nhiều biến động về thị trường lao động. Vì vậy, đây là thời điểm rất quan trọng. Khi đã có quy chế, các đơn vị cần tăng cường phối hợp để giám sát, nắm bắt thông tin nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề liên quan đến NLĐ hiện nay”.
Phạm Thọ