Thị trường tài chính thế giới phục hồi vào năm 2023 sau khi sụt giảm vào năm 2022, thúc đẩy giá trị tài sản ròng toàn cầu tăng hơn 4%.
Trên đây là một phần nội dung Báo cáo tài sản toàn cầu vừa được công bố của tổ chức tư vấn Boston Consulting Group (BCG). Cụ thể, giá trị tài sản ròng toàn cầu năm 2023 tăng 4,3% so với năm 2022, lên 477.000 tỷ USD, nhờ sự phục hồi của tài sản tài chính, tăng gần 7%.
Tài sản tài chính là tài sản có tính thanh khoản mà giá trị của nó đến từ quyền ghi trên hợp đồng hoặc quyền sở hữu một thứ gì đó. Tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và tiền gửi ngân hàng chính là những ví dụ về tài sản tài chính. Tài sản tài chính không bao gồm các tài sản như nhà cũng như nợ phải trả.
Những số liệu trên là một dấu hiệu tích cực sau giai đoạn hậu COVID-19 vốn đầy rẫy khó khăn, khi lãi suất cao cùng sự mất giá của các đồng tiền ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng khắp thế giới. Năm 2022, tổng giá trị tài sản toàn cầu chỉ tăng 0,2%, trong khi tài sản tài chính giảm 4%.
Tuy nhiên, theo BCG, thị trường tài chính thế giới vẫn chưa đạt được sự phục hồi hoàn toàn, và mức tăng 4,3% vẫn rất khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 7,1% thời kỳ 2014-2021.
Trong khoảng 2022- 2023, châu Mỹ Latinh có tốc độ tăng trưởng tài sản ròng hằng năm cao nhất, ở mức 7,9%. Tiếp đến là Trung Đông và châu Phi (7,8%). Khi so sánh với tốc độ tăng trưởng hằng năm được dự đoán trong giai đoạn năm 2023-2028, Trung Đông và châu Phi đứng đầu (10%), tiếp theo là châu Mỹ Latinh. Mặc dù ghi nhận các mức tăng mạnh hơn nhưng điều đó không có nghĩa những khu vực trên là giàu có nhất. Ngược lại, sự giàu có tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, tiếp theo là khu vực châu Á- Thái Bình Dương, và Tây Âu. Theo BCG, sự giàu có về tài chính ở các nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ và Tây Âu bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vào năm 2022 nhưng cả hai nơi đều phục hồi trở lại vào năm 2023. Bắc Mỹ là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất, chiếm hơn 50% tổng tài sản tài chính mới vào năm 2023, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán.
Lợi nhuận tài chính được thúc đẩy đáng kể nhờ cổ phiếu công nghệ và bán dẫn, trong đó Apple, Nvidia và Microsoft trở thành những công ty đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường có biên độ quanh ngưỡng 3.000 tỷ USD.
Xét về tài sản tài chính, tăng trưởng ở Tây Âu kém hơn một chút, không chỉ bởi thị trường chứng khoán tăng trưởng thấp hơn mà còn vì các nhà đầu tư còn bỏ ít tiền hơn vào cổ phiếu, theo BCG. Tương tự, tài sản tài chính cũng cho thấy động lực giảm bớt ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, tăng 5,1% năm 2023. Báo cáo cho rằng, điều này chủ yếu là do tốc độ tạo ra của cải ở Trung Quốc chậm lại, mặc dù dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn từ nay đến năm 2028.
Báo cáo Tài sản Toàn cầu của ngân hàng UBS, thu thập số liệu của 56 quốc gia. cho thấy mức tăng tài sản trung bình của mỗi người trưởng thành trong khoảng thời gian 2022-2023 có sự khác biệt giữa các nước. Cyprus ghi nhận mức giảm mạnh nhất với hơn 30%, tiếp đến là Mexico giảm gần 20%, và Kazakhstan giảm hơn 17%. Trong số các nền kinh tế Tây Âu, Thụy Sỹ và Italy là kém nhất, với mức giảm lần lượt gần 6% và 4%. Ở đầu bên kia, Thổ Nhĩ Kỳ bỏ xa các quốc gia khác, nổi bật với mức tăng hơn 157% về tài sản trên mỗi người trưởng thành.
UBS cũng thu thập dữ liệu về sự phân bổ của các triệu phú trên toàn cầu. Phần lớn các triệu phú tập trung ở Mỹ, tiếp đến là ở Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Hoàng Dương