Ngày 12/7, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chủ trì họp với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam bàn về việc xây dựng Quy trình liên thông điện tử dịch vụ công “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK”.
Theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công (DVC) trực tuyến liên thông, sẽ ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia năm 2024. Trong đó, yêu cầu BHXH Việt Nam chủ trì, xây dựng và cung cấp DVC “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức- phục hồi sức khỏe (DS-PHSK)”.
Cụ thể, Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp thực hiện rà soát và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thực hiện liên thông điện tử; xây dựng hoặc hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm DVC liên thông này trên Cổng DVC Quốc gia.
Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, việc thực hiện DVC “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK” theo hình thức trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân, DN và cả cơ quan BHXH khi rút gọn thời gian thực hiện, giảm công sức và chi phí xã hội…
Hiện nay, quy trình giải quyết hưởng và chi trả các chế độ BHXH đã được BHXH Việt Nam ban hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ Luật BHXH năm 2014. Trong đó, quy trình giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK được thực hiện như sau: Hồ sơ được chuẩn bị gồm các giấy tờ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định cho NLĐ bị ốm đau, thai sản được các cơ quan có thẩm quyền cấp (cơ sở KCB, cơ quan quản lý hộ tịch).
Trường hợp NLĐ đang làm việc, người SDLĐ lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng cho cơ quan BHXH nơi đơn vị đang đóng BHXH qua giao dịch điện tử. Trường hợp chưa thực hiện giao dịch điện tử toàn phần thì gửi danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK qua giao dịch điện tử; đồng thời gửi hồ sơ do NLĐ cung cấp cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính. Với NLĐ đã thôi việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH…
Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người SDLĐ, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Phân tích cho thấy, quy trình hiện hành đang gặp phải một số hạn chế, như trong quá trình giải quyết hưởng chế độ hiện nay, đa số đơn vị SDLĐ không thực hiện được giao dịch điện tử toàn trình, vì số lượng hồ sơ lớn nên không gửi kèm hồ sơ qua giao dịch điện tử được. Đơn vị SDLĐ chỉ thực hiện gửi danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK (Mẫu 01B-HSB) qua giao dịch điện tử và gửi các hồ sơ kèm theo qua bưu chính giải quyết.
Với quy trình hiện hành, người SDLĐ vừa mất thời gian kê khai thủ tục hồ sơ, vừa mất thời gian chuẩn bị hồ sơ gửi qua bưu chính. Trong khi đó, cơ quan BHXH khi giải quyết hưởng chế độ, cần phải căn cứ vào dữ liệu trên hồ sơ giấy để nhập dữ liệu vào phần mềm xét duyệt chính sách đối với các chỉ tiêu giải quyết hưởng như: Ngày điều trị do cơ sở KCB chỉ định; ngày sinh con, ngày tháng năm sinh của con...
Cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề liên quan, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, trong năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã chi trả cho hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK với số tiền trên 26.500 tỷ đồng. Do đó, việc liên thông điện tử, hoàn thiện quy trình và cung cấp DVC trực tuyến “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK” trên Cổng DVC Quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, tiết giảm số lượng hồ sơ giấy “khổng lồ” hiện nay.
Bên cạnh đó, theo tính toán của Ban Thực hiện chính sách BHXH, DVC trực tuyến này cũng sẽ giúp giảm thời gian kê khai với các thông tin đã được liên thông điện tử; triệt tiêu tình trạng làm giả hồ sơ giấy tờ để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản… Đặc biệt, trong xu thế chuyển đổi số, đây là yêu cầu tất yếu, đồng thời cùng với nền tảng CNTT và việc số hóa dữ liệu mà BHXH Việt Nam đang quản lý, chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện kịp thời cung cấp DVC này theo yêu cầu của Chính phủ...
Cụ thể, theo nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đang xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện quy trình liên thông dữ liệu KCB, dữ liệu dân cư, dữ liệu hộ tịch trong giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK...; dự kiến sẽ sớm trình Chính phủ ban hành quyết định triển khai thực hiện.
Thái An