Sáng ngày 11/9/2023 tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đối với khu vực phía Nam.
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đến các tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện một số chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (Công ty phần mềm, nhà xuất bản, trang web…); đại diện một số trường Đại học thuộc khu vực phía Nam; các cơ quan truyền thông, báo chí…
Theo Cục Bản quyền tác giả, Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL và các nội dung khác có liên quan đến các nhóm đối tượng là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực cũng như có liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Hội nghị cũng hướng tới mục tiêu trao đổi, thảo luận về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các kiến nghị, giải pháp triển khai trong thời gian tới. Được biết, trước đó tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức Hội nghị tương tự để tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL đối với khu vực phía Bắc.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/01/2023 có các quy định sửa đổi, bổ sung tại Chương V về Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; ngày 2/6/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, trong ngày mai (12/9), cũng tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả tiếp tục tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh. Đây là Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Theo Cục Bản quyền tác giả, Hiệp ước Marrakesh là sự bổ sung mới nhất vào các điều ước quốc tế về bản quyền do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, mang chiều hướng phát triển nhân đạo, quy định các giới hạn và ngoại lệ vì lợi ích của người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường. Kể từ ngày 6/3/2023, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ một số bộ, ngành, cơ quan liên quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM…); đại diện Lãnh đạo Trung ương Hội người mù Việt Nam, Hội người mù các tỉnh, thành phố; các Liên hiệp Hội, Hội, tổ chức xã hội dành cho người khuyết tật; một số nhà xuất bản, thư viện, cơ quan báo chí…
Mục đích của Hội nghị là giới thiệu các nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh, cũng như các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của một số tổ chức, đơn vị về thực hiện giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường.
Từ đó, hội nghị sẽ đưa ra những kiến nghị và giải pháp để triển khai Hiệp ước Marrakesh tại Việt Nam, tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường có cơ sở vật chất tốt hơn để tăng cường quyền tiếp cận với tri thức, văn học, nghệ thuật...
Thanh Giang