Thu nhập không cao, hầu như đi làm chỉ đủ trang trải cuộc sống, vì vậy nếu bị mất, giảm việc làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bản thân và gia đình NLĐ. Đặc biệt, phát sinh các hệ lụy về an sinh xã hội như vấn đề rút BHXH một lần hay nạn "tín dụng đen".
Chia sẻ tại Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động", do Báo Lao Động tổ chức chiều 7/9, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, trên 500.000 người bị ảnh hưởng do khó khăn về thị trường lao động (mất, giảm việc làm), trong đó trên 54% NLĐ mất việc làm, trên 40% giảm giờ làm.
Các chuyên gia nhận định NLĐ mất việc làm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về an sinh xã hội
Số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động, lao động giản đơn, lao động có tuổi- do NLĐ trong trường hợp này rất khó tìm việc làm. Trong khi đó, thu nhập của NLĐ không cao, hầu như đi làm chỉ đủ trang trải cuộc sống, nên giảm giờ làm thì thu nhập gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc NLĐ bị mất, giảm việc làm ảnh hưởng rất lớn đến NLĐ và gia đình họ, cũng như đến chính sách an sinh xã hội như vấn đề rút BHXH một lần hay nạn "tín dụng đen".
Lo việc làm cho NLĐ là hết sức quan trọng, vì NLĐ có việc làm, có thu nhập thì mới đảm bảo đời sống gia đình, an sinh xã hội. Nếu mất việc làm thì không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, mà còn mất an ninh trật tự. Nếu không có giải pháp giải quyết hiệu quả, thì tình trạng mất việc, giảm giờ làm là vấn đề rất đáng quan tâm và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của NLĐ và vấn đề an sinh xã hội.
Về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho rằng, mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất của NLĐ, kéo theo rất nhiều hệ luỵ mà không NLĐ nào mong muốn, trong đó liên quan đến vấn đề an sinh xã hội đất nước như việc rút BHXH. “Với vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết chính sách BH thất nghiệp, giới thiệu việc làm… chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều chia sẻ của NLĐ. Mất việc khiến cuộc sống của cả gia đình NLĐ bị đảo lộn, khiến họ liên tục gặp khủng hoảng”- ông Thành chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong quý I/2023, vẫn tồn tại trình trạng thiếu việc làm (2,06%). So với quý I, tình trạng cắt giảm đơn hàng dẫn đến thiếu việc làm diễn ra trong quý II cao hơn- khi có trên 500.000 người thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm. Trong đó, số bị cắt giảm việc làm dẫn đến thất nghiệp là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và khu vực Đông Nam Bộ.
Nguyên nhân tình trạng cắt giảm lao động là do DN thiếu đơn hàng, khi kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… Nhiều DN trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới.
Thực tế hiện nay cho thấy, chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều lao động còn chưa qua đào tạo- đây là trở ngại, thách thức khi NLĐ đi tìm công việc mới. Để giải quyết thách thức này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, bên cạnh phát triển sản xuất của DN, thì bản thân NLĐ phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở lên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới.
Muốn vậy, NLĐ phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện, để tìm được công việc mới bền vững, chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, cả DN và NLĐ phải đồng hành giải quyết vấn đề này trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, “bàn tay” của Nhà nước rất quan trọng, phải hoạch định để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như chính sách phát triển thị trường lao động bền vững.
Theo ông Lê Đình Quảng, vừa qua có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ NLĐ, nhưng các chính sách cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ một cách bền vững chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm. Đặc biệt, chính sách BH thất nghiệp phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho NLĐ.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để NLĐ bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng NLĐ mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, buộc phải rút BHXH một lần. Suy cho cùng, đích đến là các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao.
“Mất việc, tìm việc làm đã khó, việc làm có thu nhập như cũ thì càng khó khăn. Trong khi đó, chi phí đời sống phục vụ sinh hoạt gia đình càng ngày càng cao. Nhiều người trong số họ buộc phải hưởng BHXH một lần, nhận trợ cấp thất nghiệp mà không đủ thời gian, điều kiện để học nghề mới. Vì vậy, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cần hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho NLĐ, giúp họ có điều kiện quay trở lại thị trường lao động khi mất việc làm”- ông Lê Đình Quảng nêu quan điểm.
Thanh Hằng