Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ngày 5/9, kêu gọi các quốc gia thành viên của tổ chức này "đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ và nền tảng y tế kỹ thuật số để mở rộng khả năng tiếp cận sức khỏe kỹ thuật số cho tất cả mọi người".
Kêu gọi trên được WHO đưa ra trong báo cáo mang tên "Sức khỏe kỹ thuật số ở khu vực châu Âu: Hành trình liên tục hướng tới cam kết và chuyển đổi". Báo cáo ghi nhận, ở nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc tạo lập và sử dụng các công cụ và chính sách y tế kỹ thuật số thích ứng với các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, bao gồm cả y tế từ xa và các ứng dụng sức khỏe thân thiện với người dùng. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa cần được thực hiện để đẩy nhanh xu hướng này.
Trong thực tế, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe đã gia tăng trong những năm gần đây, thay đổi cách bệnh nhân được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc ban đầu, bệnh viện và tại nhà riêng. Chúng cũng đang làm thay đổi cách thức các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chẩn đoán và điều trị bệnh, từ ung thư đến tiểu đường và sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh rằng giờ đây các nước cần tăng cường đầu tư vào các công nghệ và nền tảng y tế kỹ thuật số để mở rộng khả năng tiếp cận sức khỏe kỹ thuật số cho tất cả mọi người.
Báo cáo của WHO cũng nêu bật những khoảng trống và lĩnh vực phải phát triển hơn nữa trong bối cảnh y tế kỹ thuật số như hiện nay của Khu vực châu Âu. Theo WHO, hiện mới có 19 quốc gia thiết lập hướng dẫn để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các biện pháp can thiệp y tế kỹ thuật số. Ngoài ra, chỉ một nửa số quốc gia ở khu vực châu Âu và Trung Á có các chính sách nâng cao hiểu biết về sức khỏe kỹ thuật số và kế hoạch hòa nhập kỹ thuật số, khiến hàng triệu người bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, có 30 quốc gia thực hiện luật hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa trong đại dịch COVID-19, trong khi nhiều nước vẫn thiếu một cơ quan chuyên trách giám sát các ứng dụng y tế di động (mHealth) về chất lượng, mức độ an toàn và tin cậy.
Báo cáo của WHO cũng chỉ ra cách tiếp cận không nhất quán của các nước thành viên ở châu Âu đối với chiến lược dữ liệu. Theo đó, hơn một nửa số quốc gia trong khu vực đã xây dựng chiến lược quản lý việc sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích nâng cao trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh rằng châu lục này đang có cơ hội tốt để dẫn đầu trong lĩnh vực này, song phải áp dụng chiến lược dài hạn.
Thông qua báo cáo nói trên, Văn phòng WHO khu vực châu Âu hướng tới mục tiêu tối đa hóa các khía cạnh tích cực của công nghệ đang phát triển nhanh chóng, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn và tác động tiêu cực liên quan đến những đổi mới quan trọng này.
Hoàng Dương