Các tổ chức giáo dục Đại học đang ngày càng mở rộng việc cung cấp học bổng du học nước ngoài cho sinh viên các quốc gia đang phát triển.
Thông qua học bổng du học nước ngoài, sinh viên các quốc gia đang phát triển được trang bị kỹ năng và kiến thức để góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến đói nghèo ở quê hương họ. Và với hơn 700 triệu người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu tính đến cuối năm 2020, việc giải quyết vấn đề này có thể nói là điều cấp thiết.
Ở các quốc gia đang phát triển, chẳng hạn khu vực châu Phi cận Sahara (SSA), giáo dục Đại học, Cao đẳng là một “đặc quyền” chứ không phải là một “quyền”. Tính đến năm 2020, chỉ 9,4% học sinh tốt nghiệp PTTH ở SSA được tiếp cận giáo dục Đại học, thấp hơn gần 30% so với mức trung bình toàn cầu và thấp hơn 60% so với mức của Vương quốc Anh. Giáo dục không phát triển thường đi đôi với tình trạng nghèo đói ở quy mô rộng. Năm 2018, ước tính khoảng 40% dân số SSA sống dưới mức nghèo khổ (1,90 USD/ngày) theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).
Sự thâm hụt về nguồn lao động chất lượng cao mang lại hậu quả đáng kể cho các quốc gia đang phát triển. Bởi hệ thống giáo dục Đại học chủ yếu đào tạo ra các chuyên gia, chuyên viên được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng để điều hành các hệ thống chính trị, doanh nghiệp và kinh tế một cách hiệu quả. Sự vắng mặt của lao động chất lượng cao là “lực cản” của quốc gia trong xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính và chính trị đủ vững chãi để chống chọi với nhiều thách thức toàn cầu – Đây là điều đã được Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận từ năm 1991 đến nay.
Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, các tổ chức giáo dục Đại học danh tiếng trên toàn thế giới đã và đang chú ý đến việc cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục cho người trẻ thuộc các quốc gia đang phát triển. Từ Kibera, Kenya… đến Dharavi, Ấn Độ… có thể nói, nhiều nhân tài từ các quốc gia đang phát triển được trao cơ hội, bồi dưỡng để phát huy tiềm năng trong tương lai nhờ vào nguồn học bổng du học nước ngoài. Trong đó, một số học bổng vô cùng danh giá, bao gồm hỗ trợ toàn diện về mọi mặt, cả học phí, lẫn đi lại và ăn ở với mức tiền khá cao.
Một minh họa nổi bật cho xu hướng toàn cầu này là Quỹ Saïd. Quỹ Saïd trao học bổng Thạc sỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Vương quốc Anh từ năm 1984 cho những cá nhân xuất sắc đến từ các quốc gia đang phát triển như Syria, Jordan, Lebanon, Palestine… Nhiều người sau khi hoàn thành quá trình học tập đã trở về quê hương, góp phần phát triển đất nước bằng kiến thức thu nhận được. Ví dụ, Đại sứ Husam Zomlot, người hoàn thành bằng Tiến sỹ ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học SOAS ở London năm 2000 với sự hỗ trợ của Quỹ Saïd, cho biết: “Sự kết hợp giữa học thuật và thực tiễn đã giúp tôi có lợi thế trong việc thực hiện nghiên cứu mang tính học thuật và định hướng chính sách trong lĩnh vực hòa bình- an ninh quốc tế ở khu vực Trung Đông; trong đó, tập trung vào các can thiệp quốc tế tại các khu vực xung đột và hậu xung đột”. Sau khi thành lập Trường Chính phủ Birzeit, làm chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Palestine và giữ chức Cố vấn Các vấn đề Chiến lược cho Tổng thống Palestine, ông Zomlot hiện giữ chức vụ Trưởng Phái đoàn Palestine tại Vương quốc Anh.
Hay Học bổng Cambridge-Châu Phi tài trợ cho một nhóm gồm 5 học giả châu Phi mỗi năm kể từ năm 2014. Cũng như Quỹ Saïd, trọng tâm của học bổng là tài trợ cho những người làm việc trong các dự án mang lại sự tác động tích cực đối với đất nước của họ. Ví dụ, nghiên cứu của Mark Asare Owusu (Ghana)- với tư cách là Học giả Cambridge-Châu Phi 2021-2022, về dịch tễ học và kiểm soát bệnh viêm màng não ở Ghana đã góp phần giúp quốc gia này có thêm nền tảng để thực hiện mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới là đánh bại bệnh viêm màng não vào năm 2030.
Như vậy, việc trao học bổng du học nước ngoài cho sinh viên các quốc gia đang phát triển có giá trị sâu sắc và mang lại lợi ích to lớn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp quay trở lại quê hương để góp phần giải quyết các vấn đề nghèo đói, phát triển kinh tế và giáo dục, truyền cảm hứng cho giới trẻ… chính là minh chứng cho mệnh đề “học bổng giáo dục là một nguồn tài nguyên vô giá cho một thế giới tốt đẹp hơn”.
Tùng Anh (Theo WB)