Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến nay và dự báo các tháng cuối năm 2023 cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; Lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; Lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn… đã và đang ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trước bối cảnh trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT tăng kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu.
Với các địa phương, ngoài tạo thuận lợi cho DN kinh doanh, Sở Công Thương các tỉnh tăng giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Việc này nhằm không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán không lý do, gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung cục bộ.
Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng. Song song với đó, chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Chỉ thị nêu rõ, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, DN bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của DN để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.
H.Thuỷ