Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ định kỳ tổ chức giám sát về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện các chính sách an sinh xã hội này trong năm 2023…
Nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023
Đó là đề nghị của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tỉnh Hà Tĩnh tại Hội nghị về Kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 7 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023, tổ chức sáng 30/8. Hội nghị do Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tỉnh Hà Tĩnh- Lê Ngọc Châu chủ trì, cùng cơ quan BHXH, các Sở, ngành liên quan thảo luận, chỉ ra những kinh nghiệm và một số khó khăn mà Hà Tĩnh đang cần giải quyết để thực hiện tốt các chính sách ASXH quan trọng này.
Theo đánh giá, cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cấp huyện, và cấp xã; đến nay Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời, là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia.
BHXH tỉnh và ngành Thuế, Sở KH-ĐT, Sở GD-ĐT xây dựng chương trình phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và triển khai có hiệu quả. Phối hợp cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, từng giai đoạn, nhất là tại những thời điểm giảm sâu người tham gia do thôi hưởng các chính sách hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước.
“Đến nay tỷ lệ bao phủ người dân tham gia BHYT, lực lượng lao động tham gia BHXH tại Hà Tĩnh đều tăng trưởng so với kết quả năm 2022 (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,8%, BHXH đạt 22% - cả 2 chỉ tiêu đều tăng 0,2% so với kết quả 2022)”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- ông Lê Ngọc Châu đánh giá. Theo đó tính đến tháng 7/2023, Hà Tĩnh đạt 152.744 người tham gia BHXH, tăng 2.903 người so với kết quả năm 2022, đạt 22% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Hà Tĩnh cũng là tỉnh có tốc độ phát triển BHXH tự nguyện nằm trong top các tỉnh cao, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH đạt tỷ lệ 7,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước rất nhiều (cả nước 3%)... BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng là đơn vị được đánh giá cao về thực hiện chuyển đổi số, dữ liệu người dân tham gia BHXH, BHYT được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ cao (98,7% đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ được xác thực...
Tuy nhiên, Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Tĩnh vẫn đang gặp không ít khó khăn trong đạt các chỉ tiêu thực hiện chính sách ASXH năm 2023. Tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT của một số nhóm đối tượng chưa đạt yêu cầu (như nhóm học sinh, sinh viên chưa đạt mục tiêu bao phủ 100%; nhóm người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong các DN, HTX, hộ kinh doanh chưa tham gia đầy đủ). Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp nhóm đối tượng bắt buộc vẫn hết sức khó khăn, trong bối cảnh tình hình phát triển DN trong địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu phát triển đơn vị nhỏ và rất nhỏ, có quy mô sử dụng lao động ít… Hiện nay, Hà Tĩnh đang có trên 88.000 NLĐ đi lao động nước ngoài, nhưng chưa có giải pháp thực hiện BHXH bắt buộc cho nhóm này theo đúng quy định của Luật BHXH…
Đáng lo ngại là tình trạng các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH kéo dài chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm, dù BHXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các đơn vị. Việc nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Nhiều lao động đã đến tuổi nghỉ hưởng chế độ BHXH nhưng do đơn vị đang còn nợ nên không đủ điều kiện để chốt sổ BHXH. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện lộ trình tỉnh nông thôn mới, hàng năm sẽ có một lượng người không còn thuộc nhóm được cấp thẻ BHYT từ ngân sách nhà nước (hộ gia đình thoát nghèo, cận nghèo, hộ mức sống trung bình). Vì vậy nhóm đối tượng này phải chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình, tự mua thẻ BHYT, việc tuyên truyền, vận động nhóm này tái tục BHYT cũng gặp nhiều khó khăn.
Số chi KCB BHYT tại Hà Tĩnh trong 7 tháng đầu năm vượt số dự kiến chi KCB BHYT trong phạm vi dự toán được giao 60, 8 tỷ đồng, tương đương 6,6%. Nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả, dự kiến đến hết năm toàn tỉnh sẽ vượt dự toán khoảng 90 tỷ đồng...
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Mục tiêu đặt ra năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh là đạt trên 93% dân số tham gia BHYT, 22,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 12,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, 100% HSSV tham gia BHYT. Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo và BHXH các TP, huyện, thị xã đã chia sẻ những cách làm hiệu quả trong việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, phân tích một số khó khăn trong thực tiễn và kiến nghị một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp những tháng cuối năm 2023.
Trên cơ sở các kiến nghị này, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để hoàn thành mục tiêu chung, được Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh là: sự “chủ động” và “trách nhiệm” từ các Sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo; UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Các địa phương cần giao chỉ tiêu đến tận từng xã, chỉ đạo các nhà trường thực hiện quyết liệt công tác BHYT học sinh. Sở LĐ-TB&XH phối hợp BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHXH giai đoạn 2023-2025 cho các huyện, TP, thị xã. Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh sử dụng quỹ BHYT hiệu quả; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và sử dụng kinh phí KCB BHYT đảm bảo trong dự toán được Chính Phủ giao…
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND và UBND định kỳ tổ chức giám sát về thực hiện chính sách BHXH, BHYT để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị HĐND tỉnh có chương trình giám sát tỷ lệ bao phủ BHYT tại các địa phương trước và sau khi về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao để đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT được bền vững, hướng tới mục tiêu tỉnh nông thôn mới vào năm 2025 với tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh là trên 95%.
Đại diện cơ quan BHXH, ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đề nghị ngành Thuế đưa nội dung Thanh Tra - Kiểm tra việc tham gia BHXH, BHYT vào một trong những nội dung thực hiện thanh tra thuế tại các đơn vị, DN...
Nam Quốc-Thái An