Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục 21,30% vào tháng 6/2023. Hơn 1/5 lao động trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi thất nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp thực tế thậm chí còn cao hơn. Một bộ phận sinh viên tốt nghiệp Đại học đang chọn ở nhà chờ việc hoặc phụ giúp cho DN gia đình.
Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là lao động trẻ Trung Quốc cảm thấy khó hòa nhập với môi trường công việc đầy cạnh tranh; không phải cứ chăm chỉ, kiên trì là có cơ hội thăng tiến và mức lương tốt; thuế thu nhập quá cao; thu nhập chưa như mong muốn và nhất là thời gian làm việc không hợp lý. “Văn hóa làm việc 996”– mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều– nhưng vẫn trở thành chuẩn mực ở Trung Quốc và được nhiều công ty lớn tán đồng, đó là: “Làm việc 12 giờ mỗi ngày, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, 72 giờ mỗi tuần”.
Nói cách khác, với lao động trẻ Trung Quốc, họ phải tham gia cuộc đua bắt đầu ngay từ khi sinh ra, với áp lực phải vào được trường tốt; có bằng cấp từ Đại học danh tiếng; tốt nghiệp nghề nghiệp “thời thượng” và tìm được việc làm vừa thu nhập cao, vừa có cơ hội thăng tiến. Vì vậy, gần đây, nảy sinh xu hướng không mong muốn là một bộ phận sinh viên tốt nghiệp Đại học không vội vàng lao ra thị trường lao động tìm việc làm mà chọn ở nhà chờ việc thật tốt mới đi làm hoặc phụ giúp cho DN gia đình.
Nền kinh tế Trung Quốc- vì nhiều lý do- tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với dự kiến. Thiếu cơ hội việc làm khiến thị trường lao động của Trung Quốc thêm ảm đạm và dự kiến tình hình có thể trở nên khó khăn hơn nữa khi 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè năm 2023. Một số chuyên gia khuyến khích lao động trẻ có thể dịch chuyển tạm thời đến khu vực nông thôn để tìm kiếm việc làm thay vì chỉ tập trung ở khu vực thành thị hoặc có thể tìm cơ hội ở các khu kinh tế mới cho đỡ lãng phí bằng cấp, cũng như trình độ học vấn của mình.
Mất an ninh việc làm là vấn đề không chỉ đối với những sinh viên mới tốt nghiệp Đại học, đang tìm việc làm mà còn đối với NLĐ ở độ tuổi 30 bởi họ phải đối mặt với “lời nguyền tuổi 35”. Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc đặt ra tuổi 35 là giới hạn tuyển dụng. Thứ hai, trong mắt nhà tuyển dụng, thuê NLĐ sau 35 tuổi sẽ tốn nhiều chi phí hơn và những NLĐ độ tuổi này cũng không sẵn lòng làm thêm giờ như sinh viên mới tốt nghiệp. Điều này dẫn đến dự đoán khoảng 50 triệu NLĐ trong độ tuổi từ 16 đến 40 có thể sẽ thất nghiệp vào năm 2028 và “điều đó có thể gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội sâu sắc”.
Nếu tình hình việc làm không được cải thiện và điều kiện làm việc khắc nghiệt như hiện tại, thị trường lao động Trung Quốc sẽ gặp nhiều biến động; kinh tế- xã hội không đạt tốc độ phục hồi và làm tăng tỷ lệ người nghèo. Nguy hiểm hơn, khi lao động trẻ rơi vào tình trạng thất nghiệp hay mất việc làm trong một thời gian dài, sẽ làm họ bị tổn hại về sức khỏe tâm thần, cũng như có nguy cơ cao rơi vào cảnh nghèo đói. Do đó, Chính phủ Trung Quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức phi chính phủ cần phải thúc đẩy nền kinh tế đang trên đà suy thoái bằng cách thực hiện cải cách để mang lại cơ hội tốt hơn cho những công dân trẻ tuổi.
Tùng Anh (Theo WB)