Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Tùy theo tình trạng bệnh nhân, thầy thuốc sẽ có phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, người dân cần biết một số nguyên tắc dùng thuốc tại nhà.
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti (thường gọi là muỗi vằn) là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXHD là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
SXHD là bệnh dịch nguy hiểm cần có sự quan tâm của cả cộng đồng để có biện pháp phòng ngừa cũng như chăm sóc, điều trị cho người bị mắc. Nhiễm virus Dengue thường không có biểu hiện rõ ràng. Sốt Dengue cổ điển (thể nhẹ) chủ yếu xuất hiện ở người lần đầu mắc bệnh, chưa có miễn dịch. Sốt xuất huyết Dengue/hội chứng sốc Dengue (thể nặng) thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bệnh nhân đã có sẵn miễn dịch chủ động (do đã bị bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại huyết thanh khác.
Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày bị sốt. Một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng thường thấy là sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy… Do đó, cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Tùy theo tình trạng bệnh nhân, thầy thuốc sẽ có phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, người dân cần biết một số nguyên tắc dùng thuốc tại nhà cho người lớn như sau:
Nếu người bệnh sốt cao ≥38,5°C cần cho uống thuốc hạ nhiệt ngay, đồng thời nghỉ ngơi, nới lỏng quần áo và lau mát cơ thể bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Cần chú ý chỉ dùng thuốc hạ sốt là Paracetamol, tuyệt đối không dùng các loại cũng hạ sốt nhưng phối hợp Paracetamol với hoạt chất khác như các loại thuốc giảm đau, hạ sốt kiểu trị cảm cúm. Tổng liều Paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Chú ý không dùng các thuốc hạ sốt như Aspirin (Acetylsalicylic acid), Analgin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
Nên cho bệnh nhân uống nhiều nước chia thành ngụm nhỏ. Người bệnh cần được bù dịch sớm bằng đường uống. Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước Oresol pha đúng tỷ lệ quy định (đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn) hoặc nước trái cây không có màu đỏ như nước dừa, nước cam, chanh hoặc nước cháo loãng với muối. Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như thanh long đỏ, rau dền đỏ, xá xị, chocolate… Theo dõi chăm sóc bệnh nhân cẩn thận và khuyên uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
Nếu thấy người bệnh có một trong các dấu hiệu như: Khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì; không ăn, uống được, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, tay chân lạnh, ẩm, mệt lả, bứt rứt, chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo, không tiểu trên 6 giờ thì cần phải đưa đến BV ngay. Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp và thấy có biểu hiện nêu trên tức là bệnh trở nặng, phải đến cơ sở y tế ngay để chuyển sang phác đồ điều trị SXHD giai đoạn 2, cần phải truyền dịch Ringer lactate hoặc NaCl 0,9% 6ml/kg/giờ trong 1-2 giờ, sau đó 3ml/kg/giờ trong 2-4 giờ và các thuốc khác theo y lệnh của thầy thuốc.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin. Hiện nay chưa có vắc-xin nào có thể chống lại cả 4 loại huyết thanh virus gây bệnh. Tuy nhiên, đã có một nghiên cứu về vắc-xin này tại Thái Lan với sự cộng tác của WHO. Trong khi đó, biện pháp ngăn chặn SXHD tốt nhất có thể làm hiện nay là ngăn chặn và kiểm soát muỗi Aedes bằng cách dọn sạch khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi. Đậy kín các dụng cụ chứa nước ăn như chum, vại, bể cá, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa trong môi trường như lốp xe cũ, bình vỡ, chén bát cũ.
Thậm chí, cần chú ý đến cả các khu nhà cũ để hoang như bồn cầu trong các phòng trống không có người ở, hầm nước ở các chung cư. Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Khi có dịch, cộng đồng phải chung tay ra quân làm vệ sinh môi trường, cần đến phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng và triệt tiêu tất cả các mặt nước mà muỗi có thể sinh sống, đẻ trứng như nói trên.
Để tránh bị muỗi vằn đốt, người dân trong vùng dịch cần có các phương pháp bảo hộ cá nhân như mang tất dài bao chân tay, dùng thuốc xua muỗi, tránh những nơi có nguy cơ muỗi vằn sinh sống truyền bệnh. Một điểm đặc biệt là muỗi vằn Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày, nên các biện pháp phòng tránh muỗi đốt cần phải chú ý đặc điểm sinh học này.
ThS.Lê Quốc Thịnh