LPBank và Bưu điện Việt Nam tuyệt đối tuân thủ và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Thông tư số 43/2015-TT-NHNN (Thông tư số 43); Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43 và các quy định của Ngân hàng Nhà nước, pháp luật Việt Nam. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của khách hàng luôn được đặt ở vị trí cao nhất và được đảm bảo tuyệt đối.
Ngày 31/8/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 11/2023/TT-NHNN (Thông tư số 11) có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43 về tổ chức và hoạt động của Phòng giao dịch Bưu điện (PGDBĐ) trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).
Đến thời điểm hiện nay, Bưu điện Việt Nam đang sở hữu 8,13% cổ phần của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Trước đó, từ năm 2011, Bưu điện Việt Nam chính thức ký hợp tác với Ngân hàng TMCP Liên Việt trong thời gian 50 năm và hình thành nên Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Hơn 10 năm qua, Bưu điện Việt Nam đã cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng đến mọi người dân, góp phần xoá tín dụng đen, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, miền núi với đồng bằng trong thực hiện đa dạng hoá các hình thức thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt.
LPBank và Bưu điện Việt Nam đảm bảo tuân thủ tuyệt đối quy định của Thông tư số 43, Thông tư số 11 của NHNN, pháp luật Việt Nam. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của khách hàng luôn được đặt ở vị trí cao nhất và được đảm bảo tuyệt đối.
Ở thời điểm hiện tại, mọi hoạt động Tiết kiệm Bưu điện, tài chính, tín dụng khác vẫn đang diễn ra bình thường tại các điểm giao dịch của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc. Việc cung cấp dịch vụ sẽ được chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa theo đúng hướng dẫn của thông tư. Do đó, khách hàng hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch gửi tiền, vay hưu trí, chuyển tiền, rút tiền tại Bưu điện. Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện vẫn đang được cung cấp bình thường với năng lực phục vụ và chất lượng dịch vụ tốt nhất tại các điểm phục vụ trên toàn quốc.
Bưu điện Việt Nam và LPBank sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau với vai trò là đối tác chiến lược triển khai các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại trên mạng lưới Bưu điện nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai bên theo hợp đồng hợp tác trong 50 năm.
Việc thoái vốn khỏi LPBank của Bưu điện Việt Nam được thực hiện theo lộ trình và các quy định của nhà nước về đấu giá trên thị trường chứng khoán, nếu thành công cũng sẽ không gây ra bất kì sự ảnh hưởng nào đến quyền lợi của khách hàng đang sử dụng các dịch vụ do Ngân hàng cung cấp qua mạng lưới Bưu điện.
Bưu điện Việt Nam là DN Bưu chính công ích duy nhất tại Việt Nam được Nhà nước giao vận hành mạng lưới phục vụ các dịch vụ Bưu chính, tài chính bưu chính, dịch vụ công, phân phối hàng hoá trên toàn lãnh thổ Việt Nam, với 13 ngàn điểm phục vụ rộng khắp. Bưu điện Việt Nam luôn đồng hành cùng người dân, tổ chức và DN dựa trên thế mạnh và năng lực phục vụ, trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ trong cung cấp các dịch vụ công, thực hiện đề án tài chính toàn diện cũng như các đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
Được thành lập từ năm 2008, LPBank là một trong những ngân hàng TMCP lớn với tổng tài sản đạt 327.746 tỷ đồng và mạng lưới rộng lớn gồm các chi nhánh, phòng giao dịch trên khắp 63 tỉnh, thành. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, uy tín và vị thế của LPBank trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng đã được công nhận qua hàng loạt giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Mới đây, ngày 15/8/2023, LPBank góp mặt trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 do Brand Finance phối hợp với Mibrand Vietnam công bố, cho thấy bước tiến mạnh mẽ của Ngân hàng sau quá trình đổi mới toàn diện, sự đầu tư vào công nghệ, nhân sự, sản phẩm và chất lượng dịch vụ, mang đến nhiều giá trị vượt trội cho khách hàng, đối tác.
Thông qua các Bưu cục của Bưu điện Việt Nam, LPBank đã và đang cung cấp đa dạng các dịch vụ tới mọi vùng miền, góp phần giải quyết tình trạng “tín dụng đen” tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang tới cho người dân cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn, giúp họ thực hiện các kế hoạch tài chính và có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
PV