Nếu không được kéo dài nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) năm 2023 sang năm 2024, sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023 khoảng 16.000 tỷ đồng. Nếu cắt nguồn vốn này, thì áp lực giải ngân của Chính phủ có giảm đi, nhưng lại thiệt thòi cho các địa phương.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (15/11), thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đã trình bày Báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung chuẩn bị trình Quốc hội Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ sẽ phải thực hiện 2 quy trình báo cáo Quốc hội gồm: Báo cáo xin chủ trương xây dựng Nghị quyết; trình Quốc hội hồ sơ Dự thảo Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng.
Vì vậy, để bảo đảm tại kỳ họp gần nhất, Quốc hội có thể xem xét thông qua được Nghị quyết- trong bối cảnh chỉ còn 2 năm thực hiện các Chương trình, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết giám sát nội dung: Thông qua chủ trương xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, phân bổ sử dụng vốn NSNN trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời giao Chính phủ xây dựng hồ sơ theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Lâm Thành, ngày 10/11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2024. Theo đó, Quốc hội cho phép chuyển nguồn dự toán NSNN thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện, nhưng không bao gồm vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, việc giải ngân chậm phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, nhiều văn bản hướng dẫn đến cuối năm 2023 mới được hoàn thành, sửa đổi, bổ sung để thực hiện, dẫn đến kết quả giải ngân vốn các Chương trình MTQG đến ngày 30/9/2023 đạt thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp mới đạt khoảng 15% (3.800 tỷ đồng). “Theo báo cáo của Chính phủ, nếu không được kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2023 sang năm 2024, sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023 khoảng 16.000 tỷ đồng, gồm 15.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, riêng vốn sự nghiệp năm 2022 chuyển sang năm 2023 không giải ngân hết còn khoảng 3.713 tỷ đồng”- ông Thành thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng cho biết, đối với việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2022 của Chương trình MTQG chưa giải ngân hết và kéo dài sang năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chỉ kéo dài phần vốn sự nghiệp năm 2023 để tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua, khi xây dựng dự toán NSNN năm 2024, đã thông qua nội dung kéo dài vốn 2023 để thực hiện tiếp trong năm 2024. Bên cạnh đó, dự toán năm 2024 cũng đã được Quốc hội thông qua, do đó Bộ KH-ĐT làm rõ thêm vấn đề này trong việc ảnh hưởng đối với dự toán của năm 2024 để Quốc hội có căn cứ xem xét.
Liên quan đến cơ chế đặc thù, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng thống nhất việc thông qua chủ trương xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ xây dựng hồ sơ theo thủ tục rút gọn và trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần có chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ tiếp tục chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, phải tạo sự thống nhất, nếu đề xuất mới, bổ sung thêm thì cần nêu rõ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thường trực Đoàn giám sát vừa huy động lực lượng của Đoàn giám sát và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan để tập trung toàn lực giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình với cách thức thể hiện ngắn gọn, rõ ràng; đặc biệt Dự thảo Nghị quyết phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật lập pháp.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với việc ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù theo thể thức rút gọn. Tuy nhiên, cách thức thể hiện như thế nào, cần tiếp tục bàn thảo cụ thể đúng tinh thần quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bám sát kết luận của Trung ương về vấn đề thực hiện cơ chế khoán kinh phí, giao thẩm quyền cho cấp huyện trên cơ sở điều hành của cấp tỉnh. Các nội dung trong cơ chế đặc thù có cả vấn đề về điều chỉnh danh mục dự án đầu tư…
Nguyệt Hà