Chính phủ đề xuất phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Trình bày Tờ trình Chính phủ về kết quả triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia trước Ủy ban TVQH sáng 13/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến tháng 6 năm 2023, giải ngân khoảng 1.131,044 tỷ đồng, đạt 5,33% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công đến 31/8, kết quả giải ngân được khoảng 10.139,674 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch.
Về khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Ngoài ra, còn có một số chính sách của Chương trình Mục tiêu Quốc gia không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của các địa phương còn chậm.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội quyết định cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, Quốc hội giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, tự quyết định hình thức mua sắm; đồng thời, tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án. Cho phép các địa phương được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách tự cân đối của địa phương ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách. Từ đó để cho các đối tượng thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia vay vốn tín dụng ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ nhất trí với các biện pháp, đề xuất Đoàn Giám sát đã đưa ra. Đây là vấn đề thực tế đang đặt ra hiện nay, cần được triển khai để thực hiện hiệu quả các Chương trình này. Cần có sự thay đổi trong cách quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia này, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao vốn cho địa phương chịu trách nhiệm lồng ghép, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư. Hiện nay, chúng ta vẫn quản lý Chương trình này theo hướng rất chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, trong tổ chức thực hiện, cần phân định rõ giữa khoản đầu tư và khoản hỗ trợ của ngân sách. Đây là một chương trình hỗ trợ người dân, cần có quy định rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy tắc hỗ trợ, nếu ràng buộc bằng các quy định về đầu tư công, quản lý tài sản công thì không phù hợp. “Nên thay đổi cách tiếp cận theo hướng giảm thiểu, làm gọn nhẹ các thủ tục để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, chỉ đưa ra những hướng dẫn, định hướng chung, không nên siết chặt quản lý quá chặt chẽ. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng, tài chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các loại quỹ… đang được sửa đổi. Chính phủ cần sớm đề xuất sửa các quy định có liên quan đến nguồn hỗ trợ để đảm bảo giám sát chặt chẽ được các nguồn hỗ trợ từ ngân sách, đồng thời có thủ tục phù hợp với từng loại hình, hình thức hỗ trợ, đầu tư”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết.
Là người trực tiếp chỉ huy triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban TVQH, Chính phủ sẽ cố gắng báo cáo giải trình đúng hạn. Phó Thủ tướng thừa nhận việc triển khai thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở. Đồng thời, mong muốn Ủy ban TVQH tính toán theo hương cho cơ chế hoặc nguyên tắc, Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo, cụ thể để trình Quốc hội, Ủy ban TVQH vào thời điểm thích hợp với nguyên tắc chỉ thí điểm cho đến hết năm 2025, giai đoạn sau sẽ thực hiện tư duy mới, cách làm mới, quy định mới.
Nguyệt Hà