Giãn phế quản (GPQ) là một trong những bệnh lý về phổi, tiến triển nhanh và kéo dài, trong quá trình bệnh có những đợt cấp liên quan đến ho, đờm, khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể gặp biến chứng, dẫn đến suy hô hấp.
Giãn phế quản chiếm 6% những bệnh lý về phổi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Đây là tình trạng giãn không hồi phục một phần của cây phế quản, có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường, hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản, có thể kể đến tắc phế quản do dị vật; tắc phế quản do u trong lòng phế quản; tắc phế quản do sẹo cũ của các chấn thương, viêm nhiễm; giãn phế quản do viêm, hoại tử thành phế quản; giãn phế quản do dị tật bẩm sinh ở cấu trúc phế quản… và giãn phế quản nguyên phát (loại này thường không rõ nguyên nhân).
Theo các chuyên gia, các dấu hiệu giãn phế quản thường gặp, bao gồm: Ho, ho khạc đờm kéo dài trong nhiều năm; đờm mủ có màu xanh hoặc màu vàng, một số trường hợp đờm có lẫn máu; khạc đờm thường tăng lên khi có bội nhiễm… ngoài ra, một số trường hợp ho khan hoặc không ho cũng tính là giãn phế quản. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi khám bác sĩ, bởi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, giãn phế quản có thể chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu chủ quan, không điều trị đúng cách thì có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp trầm trọng… và còn có khả năng ảnh hưởng chức năng tim, gây suy tim.
Trường hợp bệnh nặng, cần thực hiện chụp cắt lớp, soi phế quản để đưa ra chẩn đoán chính xác và lên phác đồ điều trị phù hợp; xét nghiệm đờm để lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp (sử dụng trong đợt cấp tính của giãn phế quản có bội nhiễm); điện tâm đồ, siêu âm tim để phát hiện sớm biến chứng (nếu có) ở tim; đo chức năng hô hấp để đánh giá chức năng và hoạt động của phổi, xác định mức độ tổn thương ở phổi…
Giãn phế quản có khả năng lây nhiễm thông qua đường hô hấp. Vì vậy, việc phòng, ngừa bệnh có vai trò rất quan trọng. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai) khuyến cáo, nên tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu hàng năm; không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều khói bụi; vệ sinh răng miệng, tai- mũi- họng; điều trị sớm nếu mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng tai- mũi- họng, răng miệng và các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi; tập luyện thể dục phù hợp thể chất; điều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em; đề phòng và lấy sớm dị vật phế quản (nếu có); tăng đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa như hiện nay…
Tùng Anh