UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo đối với Sở Y tế; BHXH Thành phố và UBND các quận, huyện về tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu KCB BHYT.
Một trong những nội dung được UBND TP.HCM nhấn mạnh là đề nghị Sở Y tế tích cực phối hợp với BHXH Thành phố xây dựng các giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Trong đó, nghiêm khắc thực hiện ngừng hợp đồng KCB BHYT theo quy định đối với các đơn vị có hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Một phòng khám vừa bị ngừng hợp đồng KCB BHYT vì trục lợi
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, số lượt KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM là 9,58 triệu lượt (gồm ngoại trú 8,76 triệu, nội trú 0,82 triệu), tăng 29,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượt nội tỉnh là 7,52 triệu lượt, tăng 27,33% và số lượt ngoại tỉnh là 2,06 triệu lượt, tăng 35,55%. Số chi BHYT là 10.389 tỉ đồng, tăng 19,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nội tỉnh chi 5.116 tỉ đồng, tăng 17,95% và ngoại tỉnh chi 5.273 tỷ đồng, tăng 20,89%. Khả năng sẽ vượt dự toán chi phí KCB BHYT dự kiến được giao trong năm 2023.
Vì vậy, UBND Thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn xây dựng kế hoạch, quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT. Đồng thời, có giải pháp quản lý việc KCB và chi KCB BHYT đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành; tự kiểm tra, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, không để xảy ra hành vi lập khống bệnh án, đơn thuốc để thanh toán BHYT.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở KCB cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua; quản lý chặt chẽ các chi phí, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền. Chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí KCB cho các đối tượng BHYT theo đúng quy định (hỗ trợ chi phí đồng chi trả cho đối tượng hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố).
UBND TP.HCM cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 9/9/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT, đặc biệt các trường hợp có dấu hiệu thu gom bệnh nhân, gian lận, chỉ định dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế… nhằm mục đích trục lợi BHYT.
Giao BHXH Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả dự toán chi KCB BHYT; đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chi phí KCB BHYT, phân tích các yếu tố tăng, giảm chi KCB hàng tháng, hàng quý của toàn Thành phố và của riêng từng cơ sở KCB, thông báo cho các cơ sở để chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi KCB BHYT tại đơn vị.
Về tình trạng lạm dụng, trục lợi của các cơ sở y tế, vừa qua, tại tỉnh Đồng Nai cơ quan BHXH và Sở Y tế cũng đã thống nhất ngưng hợp đồng KCB BHYT với 4 phòng khám vì liên quan đến cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Phạm Thọ