Tiếp tục Chương trình Phiên họp, sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Điều 34 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đặt ra mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.
Đồng thời, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra 11 nội dung cải cách: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ; cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức; sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ BH hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.
Cùng với đó, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, như: “Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng- hưởng, chia sẻ- bền vững”; “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH”; “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và chế tài xử lý vi phạm thuộc các lĩnh vực liên quan như... BHXH. Bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; từng bước tách việc điều chỉnh lương hưu với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 45%”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay...
Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật BHXH, song báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ lưu ý: Luật BHXH phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội của các bên tham gia BHXH, sức khỏe nhân dân, dân số, phải dựa trên những căn cứ khoa học và tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán chi tiết và phải có tính dự báo cao để bảo đảm tính khả thi trong thực thi chính sách, tổ chức thực hiện. Việc sửa đổi Luật BHXH phải bảo đảm tính đồng bộ, pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH với tinh thần BHXH là trụ cột của an sinh xã hội, hình thành mạng lưới an sinh xã hội và bảo đảm tính khả thi. Làm rõ những vấn đề cần đánh giá và định hướng mang tính dài hạn trong việc điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm hướng tới mục tiêu của Nghị quyết số 28 đã đặt ra và lộ trình thực hiện. Làm rõ những vấn đề cần phải thận trọng xem xét và cân nhắc để phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, bảo đảm của ngân sách nhà nước đối với các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước, khả năng cân đối quỹ BHXH trong dài hạn và có tính đến việc chia sẻ (điều kiện hưởng BHXH một lần; điều chỉnh tỉ lệ đóng vào quỹ BHXH theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người SDLĐ và NLĐ; bổ sung thêm chế độ của BHXH tự nguyện để tạo sự hấp dẫn đối với NLĐ; việc hình thành một bộ phận chuyên nghiệp đầu tư quỹ BHXH; việc ủy thác cho cơ quan thuế thực hiện thu BHXH…). “Thông tin kịp thời, đầy đủ để người dân hiểu rõ các nội dung được sửa đổi, bổ sung cũng như đẩy mạnh công tác tham vấn công chúng, lấy ý kiến khách quan của những người chịu tác động trực tiếp bởi các quy định sẽ sửa đổi để tạo sự đồng thuận cao. Đặc biệt, cần tính đến những tình huống phản ứng chính sách của NLĐ, ý kiến của người SDLĐ và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế- xã hội, dư luận xã hội…, chú trọng việc củng cố niềm tin và tăng sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH”- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc soạn thảo cũng như thẩm tra Dự án Luật BHXH (sửa đổi) cũng như đồng tình với việc sửa đổi Luật BHXH, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, đây là Dự án luật không chỉ khó mà còn nhạy cảm, liên quan đến hàng triệu lao động. Chính vì vậy, về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Khoản 6), Dự thảo luật giao Chính phủ quy định các đối tượng khác tham gia BHXH bắt buộc nhưng việc quy định các đối tượng tham gia là quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền công dân... nên bà Thanh đề nghị vấn đề này nên để Quốc hội quy định mới đảm bảo quyền công dân. “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tham gia BHXH bắt buộc đã được quán triệt theo Nghị quyết số 28. Tuy nhiên, để luật vận hành trôi chảy, ban soạn thảo giải trình thêm nhóm đối tượng này khi ốm đau thanh toán chế độ thì ai sẽ là người giám sát, kiểm tra để đảm bảo đúng quy định”- bà Thanh nêu.
V.Thu