Ngày 16/11, tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022, triển khai chương trình hỗ trợ năm 2023-2024. Ông Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện 20 Liên Chi hội và 100 Chi hội Nhà báo trực thuộc khu vực phía Bắc.
Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, trải qua 17 năm tổ chức, trung bình mỗi năm, Giải Báo chí Quốc gia thu hút gần 2.000 tác phẩm báo chí tham dự. Đây là những tác phẩm được sàng lọc, tuyển chọn trong số hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng gửi về dự thi. Mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao giải. “Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí”- ông Lê Quốc Minh- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, trong bối cảnh hiện nay, với khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới, đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức giải. Cụ thể: Cơ cấu giải cần có sự mở rộng để đáp ứng thực tiễn đời sống báo chí; cần hướng đến có thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới như báo chí đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng…
Bên cạnh đó, trong năm qua, công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao tiếp tục được đẩy mạnh với nguồn kinh phí lớn hơn, tạo thuận lợi cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Thông qua đó, đã tạo sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế... được tổ chức hằng năm đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp, công nghệ làm báo hiện đại.
Theo thống kê, trong năm 2022 đã hỗ trợ trực tiếp cho hàng trăm lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở khu vực; nhận được 599 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí. Năm 2023 (tính đến tháng 11) đã hỗ trợ 1.500 lượt tác giả, nhận được 1.400 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm; hỗ trợ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đầu sách để công bố, quảng bá và lưu trữ tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Báo chí cũng tập trung định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: Viết về Đảng và Bác Hồ; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng, các ngày kỷ niệm lớn; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh chính trị; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo...
“Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội; qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây”- ông Lê Quốc Minh- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, theo Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động báo chí vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng (khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước, tùy từng đơn vị) nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị. Mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm rất thấp, do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, số đơn vị cần hỗ trợ lại nhiều; còn thiếu kinh phí cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và phổ biến tác phẩm trong hội viên.
Đáng chú ý, công tác hỗ trợ mới tập trung vào những nguồn sáng tạo (chất xám) hiện có, chứ chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ; nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm chất lượng cao với yêu cầu cao về kỹ năng nghiệp vụ rất lớn, nhưng các cấp hội đều chưa đáp ứng được vì thiếu kinh phí…
Do đó, theo đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, hơn lúc nào hết, các cấp Hội và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ, qua đó có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số; cũng như có điều kiện “dấn thân” tác nghiệp trong mọi điều kiện, bối cảnh xã hội.
Minh Đức