Là địa phương có nhiều thành tựu ứng dụng CNTT, BHXH tỉnh Hà Tĩnh nằm trong nhóm địa phương đầu tiên thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID thay thẻ giấy khi đi KCB BHYT; đơn vị này hiện cũng đang dẫn đầu toàn quốc trong thực hiện đồng bộ dữ liệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư, làm cơ sở cho người dân đăng ký, thực hiện được dễ dàng các dịch vụ công trực tuyến... Những nỗ lực từ BHXH mỗi địa phương đã và đang góp phần giúp ngành BHXH thực hiện chuyển đổi số triệt để và hiệu quả.
Tăng tiện ích, tăng sự hài lòng cho người dân
Chia sẻ sự cần thiết thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống ngành BHXH, ông Phan Văn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Người dân ngay từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời đa số đều gắn liền với Ngành BHXH. Hiện nay hơn 90% dân số trong cả nước đều đã được cấp một mã số BHXH duy nhất, cùng với cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, mã số BHXH này sẽ đi suốt cuộc đời người dân, gắn liền với Ngành BHXH vĩnh viễn trong CSDL quản lý. Nếu không chuyển đổi số thì sẽ không thể quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt nhất”.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, trên cơ sở các mục tiêu, kế hoạch của Đề án 06 và chủ đề chuyển đổi số năm 2023 (năm của dữ liệu), BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch để chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang quản lý, đảm bảo 100% người tham gia được đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư. BHXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và tập trung hoàn thiện dữ liệu; Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Tham mưu văn bản gửi các Sở, Ngành trong việc phối hợp, đôn đốc triển khai cập nhật Căn cước công dân/định danh cá nhân (CCCD/ĐDCN), điều chỉnh thông tin cá nhân theo CSDL quốc gia về dân cư; Phối hợp với Công an tỉnh trong việc chỉ đạo rà soát dữ liệu, đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư; Làm việc trực tiếp với BHXH cấp huyện để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện Đề án 06. Thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trong năm 2023 và những năm tiếp theo...
Theo ông Phan Văn Anh, hiệu quả chuyển đổi số tại Hà Tĩnh được thể hiện trên nhiều mặt, Về dữ liệu số, tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh đã có hơn 98% người đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được chuẩn hóa dữ liệu, xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư. Kết quả này đã đưa Hà Tĩnh vào nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ động bộ dữ liệu của Ngành BHXH. Thực tế đã cho thấy, từ CSDL của ngành được chuẩn hóa đã giúp ích cho người dân đăng ký, thực hiện được dễ dàng các dịch vụ công mà Ngành BHXH đã cung cấp như thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, định danh điện tử VNeID thay thế thẻ BHYT giấy; liên thông cấp giấy khám sức khỏe phục vụ cấp lại giấy phép lái xe, đăng ký tham gia BHYT HGĐ có giảm trừ mức đóng, đăng ký hưởng BH thất nghiệp trên Cổng DVC…
Tính đến 13/6/2023, tại các cơ sở KBC BHYT trong toàn tỉnh đã có 668.209 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD (tăng 467.817 lượt so với báo cáo đầu năm 2023) với kết quả xác thực tra cứu thành công là 507.401 lượt (tăng 371.046 lượt so với đầu năm 2023), với tỷ lệ thành công đạt 83%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 7.712 giấy khám sức khỏe được cấp qua Cổng thông tin tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT của Ngành BHXH để phục vụ cấp bằng lái xe thông qua cổng DVC; có 8.338 trẻ em được cấp thẻ BHYT thông qua liên thông dữ liệu; có 869 trường hợp nộp hồ sơ giải quyết trợ cấp thất nghiệp thông qua Cổng DVC quốc gia đã được tiếp nhận và xử lý...
Về cơ sở hạ tầng CNTT, từ trước đó nền tảng này đã được BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh trang bị hiện cơ bản đáp ứng cho vận hành các hệ thống công nghệ thông tin từ Trung ương đến cấp huyện. Trong đó phải kể đến Hệ thống mạng truyền số liệu, Hệ thống hội nghị trực tuyến, Hệ thống các phần mềm liên thông với các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, Hệ thống bảo mật và an toàn thông tin đạt chuẩn quốc tế; Các thiết bị phục vụ cho số hóa thông tin như máy tính, máy scan, chữ ký số được trang bị đầy đủ cho mỗi viên chức, NLĐ; Các quy trình nghiệp vụ đã được số hóa từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả cho người dân, DN.
Hiện, BHXH tỉnh thường xuyên tác nghiệp các nghiệp vụ trên 22 phần mềm của BHXH Việt Nam đã phân cấp ứng dụng; phối hợp thường xuyên với Trung tâm CNTT để hoàn thiện các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Ngành. Ngoài ra, phòng CNTT của BHXH tỉnh Hà Tĩnh còn tự nghiên cứu, xây dựng thêm các phần mềm, module tiện ích hỗ trợ nghiệp vụ như phần mềm Thống kê kiểm soát hoàn thiện cơ sở dữ liệu Ngành; Phần mềm tra cứu thông tin tổng hợp; Phần mềm tra cứu và niêm yết Bộ thủ tục hành chính của Ngành, Phần mềm lấy ý kiến đánh giá sự phục vụ của viên chức ngành BHXH đối với người dân; xây dựng phần mềm Quản lý chế độ nghỉ phép; nâng cấp phần mềm Kỷ yếu điện tử của BHXH tỉnh theo cơ cấu tổ chức mới…
Cơ quan BHXH cũng đã triển khai tập huấn giao dịch hồ sơ điện tử cho nhân viên thu thuộc các Tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn cấp huyện trong toàn tỉnh. Hiện nay, Hà Tĩnh đang có tổng số 5.740 đơn vị đăng ký GDĐT với cơ quan BHXH (bao gồm các đơn vị cơ quan, DN và đầu mối của Tổ chức dịch vụ Thu). Trong 6 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ giao dịch điện tử chiếm tỷ lệ 54% tổng hồ sơ các nghiệp vụ. Toàn tỉnh có 298.959 người đăng ký tài khoản giao dịch BHXH điện tử cá nhân được phê duyệt hợp lệ để ứng dụng VssID- BHXH số, đạt tỷ lệ 85% kế hoạch của BHXH Việt Nam giao năm 2023...
Chuyển đổi tư duy số
“Chuyển đối số của Ngành trước hết là chuyển đổi về tư duy. Lãnh đạo và viên chức ngành BHXH đã xác định nhiệm vụ chính trị của Ngành hiện nay và trong tương lai gần không thể tách rời môi trường số, từ đó mỗi cá nhân có tâm thế chủ động để tiếp thu, không ngừng cập nhật các kiến thức mới về công nghệ, chuẩn bị các công cụ thiết yếu để phục vụ công việc trong môi trường số”, ông Phan Văn Anh chỉ rõ. Tư duy, nhận thức về chuyển đổi số bắt đầu từ việc chuẩn bị nhân lực, bố trí nhân lực đáp ứng các thay đổi mà chuyển đổi số phải thực hiện và sản phẩm sinh ra từ chuyển đổi số.
Đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng đánh giá, hoạt động chuyển đổi số tại Hà Tĩnh hiện đang tập trung vào thực hiện Đề án 06 cũng cho thấy còn một số khó khăn hạn chế. Thông tin đầu vào để đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý của Ngành BHXH được xuất phát từ nhiều nguồn, nhiều ngành và nhiều kênh, trước đây chưa có một cơ sở dữ liệu quốc gia làm gốc nên việc sai sót, trùng lặp thông tin quản lý đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, “thay đổi thói quen là việc cần có một quá trình, hơn nữa để thay đổi thì mỗi cá nhân còn phải chuẩn bị thêm về kỹ năng, kiến thức về CNTT, thiết bị phục vụ cho chuyển đổi. Đó là khó khăn lớn cho Ngành BHXH khi muốn đẩy nhanh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn", ông Phan Văn Anh nhận xét. Hiện nay, đa số người dân chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm chuyển đổi số mà Ngành BHXH nói riêng và các ngành nói chung đã mang lại cũng là một sự khó khăn; Sự liên quan thông tin của nhiều ngành, đơn vị và sự phổ thông của đối tượng quản lý vì vậy chuyển đổi số phải được tiến hành đồng bộ từ người dân đến các đơn vị, ngành liên quan như Ngành Y tế, LĐ-TB&XH...
Hiện BHXH tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục phối hợp Sở Y tế đẩy mạnh triển khai sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNEID thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT tại tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc trên thẻ CCCD gắn chíp và trên CSDL quốc gia về dân cư tại các Cơ sở KCB BHYT, triển khai Sổ Sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam...
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Hà Tĩnh: “Việc cần tập trung của cơ quan BHXH hiện nay là tiếp tục truyền thông, hướng dẫn về các tiện ích, sản phẩm của chuyển đổi số mang lại, sự thuận tiện khi thực hiện các DVC toàn trình của Ngành BHXH đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí như thế nào. Từ đó dần thay đổi thói quen và tư duy của người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với Ngành BHXH. Bên cạnh đó, Ngành sẽ tiếp tục lắng nghe và không ngừng cải thiện các dịch vụ công, tiện ích của ngành để người dân dễ tiếp cận và sử dụng hơn nữa; Các ngành liên quan cần có sự chuẩn bị đồng bộ về dữ liệu, phần mềm và thiết bị như thiết bị đọc mã vạch trên CCCD, phần mềm liên thông cấp giấy KSK phục vụ cấp giấy phép lái xe...”.
Thái An