Một loạt nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh căng thẳng tại Gaza giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang leo thang.
Hơn một tuần sau khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát hôm 7/10, các đợt không kích dữ dội vẫn liên tiếp được Israel thực hiện nhằm vào Dải Gaza với mục tiêu xóa sổ hoàn toàn Hamas. Theo con số thống kê chưa chính thức, chiến sự lần này ở Gaza đến nay đã khiến khoảng 1.800 người ở Palestine và hơn 1.300 người ở Israel thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Con số thương vong còn tăng khi các cuộc tấn công trả đũa chưa ngừng lại.
Theo giới phân tích, giữa lúc cuộc chiến Nga- Ukraine vẫn kéo dài và gây nhiều hệ lụy trên toàn cầu, việc "thùng thuốc súng Trung Đông" bùng nổ là một diễn biến rất nguy hiểm, bồi thêm vào bức tranh vĩ mô vốn không nhiều sáng sủa của thế giới.
Hãng thông tấn Tân Hoa đưa tin, trong cuộc điện đàm ngày 15/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan thúc giục các bên cần phải ngừng bắn ngay lập tức và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề Palestine, đồng thời khuyến cáo nếu thiếu đi giải pháp hai nhà nước thì các phương án đều không khả thi.
Ngoại trưởng Fidan chỉ ra rằng cần phải ngừng di dời và gây thương vong cho dân thường, ngăn chặn chiến tranh lan ra bên ngoài, thậm chí trên phạm vi rộng hơn. Ông bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Palestine tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và khẳng định Ankara sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh để tìm kiếm hòa bình lâu dài trong khu vực.
Phía Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, quyền tự vệ cần được thực hiện phù hợp với luật nhân đạo quốc tế, không nên gây thương vong cho dân thường vô tội. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, ngừng bắn ngay lập tức và tìm kiếm đối thoại, đồng thời nói thêm rằng các điều kiện sống cơ bản của người dân ở Gaza phải được đảm bảo và việc tiếp cận nhân đạo phải được mở ra càng sớm càng tốt.
Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền CBS, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo về khả năng xung đột leo thang ở Trung Đông và bày tỏ lo ngại về nguy cơ tham gia xung đột của các lực lượng ủy nhiệm. Ông cho biết Mỹ đang cố gắng tìm con đường an toàn cho công dân của mình rời Gaza vào Ai Cập. Cố vấn Sullivan cũng cho biết, Washington đang tập trung vào việc đảm bảo dân thường rời khỏi Gaza có quyền tiếp cận thực phẩm, nước uống, nơi trú ẩn và có thể đến được các khu vực an toàn.
Trong khi đó, trong tuyên bố chung ngày 15/10, những người đứng đầu Liên đoàn Ảrập và Liên minh châu Phi (AU) nhận định kế hoạch tấn công trên bộ vào Dải Gaza của Israel "có thể dẫn đến một cuộc diệt chủng ở quy mô chưa từng có", và kêu gọi "Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn thảm họa trước khi quá muộn".
Vào sáng 7/10, lực lượng Hamas phát động chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa tấn công Israel cả trên bộ, trên không và trên biển trong một nỗ lực mà họ gọi là "trận chiến vĩ đại nhất nhằm chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng trên Trái đất". Đáp trả, Israel triển khai chiến dịch Những thanh kiếm sắt, đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, thành lập Nội các thời chiến và quyết định huy động 360.000 quân dự bị, từ ngày 13/10 bắt đầu kêu gọi người dân Gaza ở phía Bắc di tản về phía Nam để chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực dữ dội hơn.
Các chuyên gia phân tích đang xem xét tác động đến tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo ba kịch bản có thể xảy ra: xung đột phần lớn chỉ giới hạn ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine; xung đột lan sang Lebanon và Syria; và cuối cùng là sự đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran. Họ cho rằng, trong khi cả ba kịch bản đều có khả năng khiến giá dầu tăng vọt, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn, một cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel sẽ gây ra thiệt hại nặng nề nhất.
Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu có thể sẽ tăng lên 6,7% so với dự báo hiện tại của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong năm 2024 là 5,8%. Tăng trưởng toàn cầu năm tới có thể sẽ giảm 1% so với dự báo hiện tại, xuống còn 1,7%. Đây sẽ là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Xét về tài chính, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.
Ngọc Tuấn