Cơ bản đồng tình với báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2023. Song các ĐBQH đề nghị Chính phủ làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã và đang diễn ra dù các quy định liên quan đến vấn đề này được ban hành đầy đủ, kịp thời.
Quan tâm đến lĩnh vực y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn TP HCM cho biết, 6 tháng qua, vấn đê cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vắc-xin mở rộng, y tế dự phòng còn nhiều lo ngại. Vấn đề này đã được Quốc hội mổ xẻ từ kỳ họp trước, nhưng không thấy thể hiện trong báo cáo của Chính phủ kỳ này. Tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đầu vào vẫn tồn tại và chủ yếu do vướng các quy định về đấu thầu. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng KCB, cần sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về xã hội hoá y tế để đảm bảo cán bộ “dám nghĩ, dám làm”; mục tiêu là tăng cường tính tự chủ mà gốc rễ là an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe cho người dân. “Cuba dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dành 50% ngân sách cho y tế và giáo dục. Việt Nam dành bao nhiêu ngân sách cho vấn đề này; cần thể hiện trong báo cáo hàng năm là mỗi năm làm được những gì, cần đề cập cụ thể trong Báo cáo”- ĐB Phong Lan dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Trí Thức đề nghị không vì “sợ” mà chần chừ, không có cơ chế để bệnh viện công thực hiện liên doanh liên kết. Chính phủ cần ban hành sớm quy định để thực hiện cơ chế này mới có thể đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhân dân. ĐB Thức dẫn chứng “tình trạng thiếu máu cho điều trị tại một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Không phải vì người dân không đi hiến máu mà vì chúng ta không có đủ vật tư y tế để tiếp nhận máu hiến đúng quy định, đó là việc rất đáng tiếc. Bên cạnh đó, để phục vụ tốt nhân dân, đồng thời phát triển TP.HCM trở thành trung tâm du lịch y tế của khu vực thì càng phải đầu tư mạnh cho trang thiết bị y tế. Nhu cầu xạ trị Proton cho bệnh nhân ung thư, theo ước tính của một số chuyên gia lên tới 25- 30 máy nhưng Việt Nam còn chưa có máy nào. Ngoài ra, tình trạng đấu thầu “chạy” Thông tư 14 vì Thông tư này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu mới (thực hiện từ 1/1/2024) đến giờ này vẫn chưa có nên nếu không làm nhanh thì các bệnh viện không biết thực hiện theo quy định nào và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có thể tiếp tục tái diễn trong dịp Tết nguyên đán sắp tới”- ĐB Thức nêu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Trí- Đoàn Hà Nội cho rằng, sáng ngày 24/10, các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng thiếu túi đựng máu tại Cần Thơ nên không thu gom được máu. Liên quan đến máu, vấn đề đáng quan tâm là không có người hiến, nhưng hiện nay người hiến luôn sẵn sàng thì chúng ta lại không có túi đựng máu. Đây là câu chuyện đã kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết. Từ đây, có thể mở rộng ra nhiều cái thiếu nữa là thiếu thuốc, thiết vật tư y tế, vắc-xin phòng bệnh... Tình trạng này đang xảy ra ở các cấp, từ bệnh viện Trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. “Chính các đồng nghiệp, cử tri, Nhân dân và người nhà, người quen của tôi đang gặp tình trạng trên. Tôi mong muốn cần làm rõ, xem sự thật đến đâu và tìm ra nguyên nhân vì sao, thiếu đến đâu?”- ĐB Trí nói.
Cũng theo ĐB Nguyễn Anh Trí, trong 2 năm trở lại, các vấn đề thuộc về luật, các Nghị định, Nghị quyết và Thông tư (đã được ban hành liên lục để tháo gỡ những khó khăn và đang được triển khai rất quyết liệt để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Giải quyết vấn đề này đã trở thành mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề này, không để người dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Do vậy, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ bằng được. Tuyệt đối không để Nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi KCB. Cá nhân tôi đã chính thức đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội phải thực hiện một cuộc giám sát trong toàn ngành y tế, giám sát đến nơi đến chốn để trả lời được câu hỏi: Tại sao các văn bản pháp quy từ luật đến nghị định, thông tư đã được ban hành mà tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn diễn ra; khó khăn, ách tắc vẫn còn đó? “Nếu các luật, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư đã ra đời mà vẫn để thiếu thuốc thì trách nhiệm thuộc về ngành Y tế, bao gồm lãnh đạo Bộ Y tế đến các Cục, Vụ và tiếp theo là Giám đốc các Sở Y tế, Giám đốc các Bệnh viện. Theo tìm hiểu, nguyên nhân thiếu chính nằm ở hai nhóm là các văn bản pháp quy hiện nay vẫn thiếu tính thực tiễn nên vẫn khó cho việc triển khai đầu thầu, mua sắm. Nếu triển khai mua thì thường trúng cả gói thầu chất lượng thấp, có thể do hướng đến vấn đề giá cả nhiều hơn. Do khó làm nên nhiều lãnh đạo, Giám đốc Sở ngại, sợ trách nhiệm, sợ làm lại gặp khó. Để Nhân dân bị thiếu thuốc là có tội; khi mọi nút thắt đã được tháo gỡ, ở những nơi khác đã làm được, đã có thuốc, có vật tư y tế mà ở đơn vị này không làm được thì phải xem xét biện pháp về tổ chức, thay thế lãnh đạo…”- ĐB Trí đặt vấn đề.
Nguyệt Hà