Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ngành giáo dục. Chương trình có sự tham dự trực tuyến kết hợp trực tiếp của 700.000 giáo viên mầm non (GVMN), phổ thông trên cả nước. Tại chương trình, vấn đề mức lương, phụ cấp, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho giáo viên được rất nhiều thầy cô giáo đặt ra, nhất là đối với GVMN.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoạ Mi (Thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp lãnh đạo đối với ngành giáo dục, nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành, trong đó có chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình; qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Tuy nhiên, so với hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là GVMN vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoạ Mi (Thị xã Long Mỹ, Hậu Giang)
Cô Nguyên cho rằng, dù có quy định 40h/tuần nhưng thực tế GVMN làm việc gần như gấp đôi, trung bình mỗi ngày GVMN làm việc từ 10- 12h. Khi về đến nhà, các cô khó mà tròn trách nhiệm chăm lo đầy đủ cho gia đình. Mặt khác, công việc của GVMN mang tính chất rất đặc thù: Vừa nuôi vừa dạy, đảm bảo tất cả các trẻ đều phải phát triển, phải tập trung chú ý, chăm sóc từng cháu, rất áp lực. GVMN cũng là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ; gần như là một chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý...
“Có thể thấy GVMN rất vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay, rất thấp so với công sức các cô bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nên vừa qua có rất nhiều GVMN không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Do đó, kính mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho GVMN lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia GDMN và giúp các cô an tâm công tác”- cô Nguyên kiến nghị.
Cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên lớp 5 tuổi, Trường Mầm non 1 (TP.Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) cũng cho biết: Nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nhất là GVMN. Do vậy, các nhà giáo đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ có chính sách này hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.
Về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với GVMN, cô Hồng cho rằng: Theo như quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của GVMN hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. “Bản thân tôi là một ví dụ, hiện lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65, còn lương bậc 5 của giáo viên tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36. Như vậy, bậc lương giữa 2 cấp học quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương GVMN được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác”- cô Hồng nêu ý kiến.
Trao đổi lại với những ý kiến phát biểu của giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của GVMN trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến GVMN. Theo đó, ngoài lương, GVMN còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của GVMN vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Theo Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho GVMN, tiểu học. Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho GVMN, tiểu học.
“Ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, CCVC rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số CCVC cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý. Ý kiến thầy cô trao đổi cũng nói đến giờ làm việc nhiều, chế độ trông trưa, số giờ trông trẻ dài hơn, đến sớm, về muộn… Đây là một thực tế. Với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non. Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho GVMN nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc của GVMN”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của GVMN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật BHXH. “Trong góp ý Luật này, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa GVMN vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GDĐT nêu kiến nghị và Bộ LĐTB và XH cũng đã lưu ý về vấn đề này”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
T.Hà