Trong 3 tuần gần đây (tính từ cuối tháng 9 đến nay), số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng 2.500-2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6-13/10), thành phố đã ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay. Quận Hà Đông là địa bàn dẫn đầu về số ca mắc với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca. Các quận, huyện còn lại (Cầu Giấy, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm) ghi nhận 120-124 ca. Trong tuần qua cũng ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã- đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm đến nay.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong số này có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng theo thống kê, so với tuần trước, số mắc sốt xuất huyết tuần 39 giảm 2,7%. Trong đó, số nhập viện là 4.302 ca, so với tuần trước giảm 2,1%. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2022 có số mắc giảm 58,6%, số tử vong giảm 94 trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương) cho rằng, thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao. Cụ thể, trong thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài, khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất một tuần. Trong khi đó, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.
Mùa Đông ở miền Bắc không còn lạnh như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát. Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch Covid-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh…
Ông Nguyễn Văn Kính- Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Kính- Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết của Nhật Bản. Trước đây, một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành với một loại vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với virus tuýp 2- tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay.
"Vừa qua, một loại vắc-xin ngừa sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia thử nghiệm vắc-xin này"- ông Nguyễn Văn Kính thông tin.
Khẳng định vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm, song Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng cho rằng, với vắc-xin phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.
Cũng theo ông Kính, diễn biến chung của sốt xuất huyết là rất cấp tính trong vòng từ 2-7 ngày, do đó các thầy thuốc cần lưu ý để xử lý kịp thời các dấu hiệu cảnh báo. Bản thân mỗi cá nhân và cộng đồng cần lưu tâm đến sốt xuất huyết. Nếu bị sốt, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, có thể làm xét nghiệm trong 3 ngày đầu để phát hiện bệnh.
Hà Hùng