Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng tới hàng triệu người ở cả ba châu lục Á, Âu và Mỹ đang làm gia tăng áp lực đối với các hệ thống y tế, trong đó những ai ít khả năng chống chọi nhất phải chịu hậu quả nặng nề nhất.
WHO cho biết, nắng nóng thường làm trầm trọng thêm những chứng bệnh sẵn có ở mỗi người, đặc biệt đáng lo ngại ở nhóm bị bệnh tim mạch, tiểu đường và hen suyễn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, nắng nóng cực đoan gây hậu quả nặng nề nhất đối với những người có khả năng thích ứng kém nhất như người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người nghèo và người vô gia cư. Các hệ thống y tế cũng phải chịu áp lực lớn vì nắng nóng vượt ngưỡng có thể gây ra những hệ lụy khôn lường về sức khỏe, khiến những bệnh sẵn có nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong.
Hiện nay, WHO đang phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ các nước xây dựng kế hoạch hành động trong thời tiết nắng nóng để điều phối công tác chuẩn bị ứng phó và giảm bớt tác động của tình trạng nắng nóng cực đoan tới sức khỏe của người dân.
Những ngày này, hàng triệu người ở cả ba châu lục Á, Âu và Mỹ đang phải đương đầu với tình trạng nắng nóng gay gắt. Nạn cháy rừng lan rộng ở nhiều nơi khi nhiệt độ liên tục phá vỡ các kỷ lục. Các chuyên gia cho rằng đây là một phần hậu quả của biến đổi khí hậu do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, và xu hướng toàn cầu nóng lên là yếu tố then chốt dẫn tới các loại hình thời tiết nguy hiểm.
Nhiều quốc gia đã phải ban hành các cảnh báo an toàn. Ở châu Âu, Hy Lạp phải nhờ các lực lượng quốc tế hỗ trợ dập cháy rừng, trong khi Pháp ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C ở nhiều vùng phía nam đất nước. Một số đảo của Italia như Sardinia và Sicily được dự báo có thể vượt mức 48,8 độ C, kỷ lục của toàn châu Âu hồi tháng 8/2021. Ở Tây Ban Nha, các nhà chức trách đưa ra thông điệp nhắc nhở mọi người tự bảo vệ mình để tránh hít phải khói bụi từ các đám cháy.
Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trải qua chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trên 35 độ C dài nhất trong lịch sử. Ở Nhật, Đài Phát thanh- Truyền hình công cộng NHK đưa tin, nắng nóng đang ở mức đe dọa đến tính mạng khi nhiệt độ một số nơi tăng vọt lên gần 40°C. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành cảnh báo say nắng đến 20 trong số 47 tỉnh của nước này, chủ yếu ở phía Đông và Tây Nam.
Tại Mỹ, Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia lặp lại cảnh báo liên quan đến nắng nóng mỗi ngày, khuyên người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe và giữ mát cho cơ thể. Trạm nhiệt kế tại sân bay Cảng hàng không Phoenix tiếp tục đo được mức nhiệt hơn 43,3 độ C trong ngày 18/7, phá vỡ kỷ lục 18 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ không thấp hơn mức này đã tồn tại từ năm 1974.
Các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ trên khắp thế giới và các nhà khoa học cho biết rất có thể năm 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận, kể từ khi việc đo lường được thực hiện từ những năm giữa thế kỷ 19.
Robert Vautard- Giám đốc viện nghiên cứu khí hậu Pierre-Simon Laplace của Pháp, cho biết các đợt sóng nhiệt bao trùm châu Âu và toàn cầu không chỉ là một hiện tượng đơn thuần mà là nhiều hiện tượng xảy ra đồng thời. Tất cả đều mạnh lên và nghiêm trọng hơn do một yếu tố, đó là biến đổi khí hậu.
Từ lâu, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo biến đổi khí hậu gây ra bởi khí thải nhà kính sẽ khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết chóc nhiều hơn. Họ khuyến cáo các chính phủ cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để giảm lượng khí thải.
Hoàng Dương