Ngày 13/10, BCĐ Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương tổ chức Lễ Tổng kết Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 và kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Tại buổi tổng kết, bà Chu Thị Hạnh- Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) đã tình bày báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 56 tỉnh, thành phố và 8 cơ quan, Bộ, ngành, 9 tập đoàn, tổng công ty. Với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ Trung ương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thành viên BCĐ Trung ương tham mưu, đề xuất xây dựng chủ đề, kế hoạch, tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023; làm việc với một số địa phương, DN khảo sát về tình hình chuẩn bị tổ chức Tháng hành động.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật ATVSLĐ đối với 33 đơn vị, trong đó xử lý vi phạm hành chính 4 đơn vị với số tiền là 518.000.000 đồng. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Nhân dịp Tháng hành động, các cấp công đoàn đã thăm hỏi, động viên và tặng quà cho hơn 31.750 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ. Đặc biệt, trong Tháng hành động, các cấp công đoàn đã tổ chức phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ với 1.348.950 người tham gia. Kết quả có 89.755 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu TNLĐ-BNN.
Cũng theo bà Chu Thị Hạnh, việc tổ chức thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả. Một số địa phương không để xảy ra TNLĐ hoặc TNLĐ chết người trong quý II/2023 như Đắk Nông, Lai Châu, Bình Thuận, Hà Giang… Một số địa phương giảm mạnh tỷ lệ TNLĐ so với cùng kỳ như Thừa Thiên Huế (giảm 60%), Cần Thơ (giảm 36%), TP. Hồ Chí Minh (giảm 30%). Tuy nhiên, việc thực hiện công tác ATVSLĐ vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Các nội dung hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì ATVSLĐ trong làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động còn nhiều hạn chế chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ tích cực. Công tác tổng kết, báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ ở một số địa phương còn chậm; một số báo cáo còn chung chung, không báo cáo theo hướng dẫn, không đánh giá kết quả, gây khó khăn cho cơ quan thường trực trong việc tổng hợp số liệu báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương vẫn còn xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người trong Quý II như Quảng Ninh (12 người chết), Hải Dương (9 người chết), Hà tĩnh (6 người chết).
Cùng với đó, nhận thức về công tác an toàn ATVSLĐ ở một số nơi như vùng sâu, vùng xa, biển đảo... chưa cao nên việc tổ chức các hoạt động còn mang tính hình thức, thụ động; các hoạt động hưởng ứng mới chỉ tập trung ở DN lớn, chưa thu hút được các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ tham gia. Một số chủ đầu tư cho chú trọng công tác quản lý giám sát ATVSLĐ; nhiều đơn vị doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng chưa chủ động tích cực cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý công tác ATVSLĐ trong thi công xây dựng.
Trước những hạn chế trên, Cục An toàn Lao động đề xuất một số giải pháp như bố trí kinh phí nhằm đẩy mạnh triển khai công tác ATVSLĐ tại các quận, huyện, xã, phường và khu vực làng nghề, nông nghiệp, ngư nghiệp đặc biệt chú ý hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên biển. Tăng cường công tác phối hợp triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ giữa các Bộ, ngành, các cấp, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, nghề nghiệp. Ngoài ra, cơ quan báo chí truyền thông đổi mới tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ tới DN NLĐ.
Tại buổi lễ, ông Hà Tất Thắng- Cục trưởng Cục ATLĐ thông tin về kế hoạch triển khai Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024. Theo đó, Cục xin ý kiến BCĐ về 4 chủ đề dự kiến: Đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng; đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về ATVSLĐ và giảm căng thằng tại nơi làm việc; đẩy mạnh việc trang cấp, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và phòng ngừa các tai nạn rơi, ngã trong lao động; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác ATVSLĐ trong phòng ngừa TNLĐ-BNN.
Thảo luận về vấn đề này, đa số đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương lựa chọn chủ đề 1 và chủ đề 2. Bởi chủ đề 1 là chủ đề này mang tính tổng quát nhằm thúc đẩy các chương trình, hành động về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Chủ đề 2 tiếp tục phát động chủ đề giảm căng thẳng tại nơi làm việc đã phát động 2023 nhận được sự hưởng ứng tốt trong cộng đồng, truyền thông; tạo được sự quan tâm trong dư luận. Đồng thời, tăng cường các hoạt động nâng cao ý thức, nhận thức về ATVSLĐ trên các nền tảng mạng xã hội, tạo sự lan toả, tương tác tốt trong các cấp, các ngành, doanh nghiệp, NLĐ.
“Chúng ta cần chọn chủ đề mang tính thời sự và lan tỏa, phù hợp với tình hình thực tế; cần có sự sửa chữa, bổ sung thêm để tất cả các bộ, ban, ngành đều thấy trách nhiệm của mình trong đó. Việc xây dựng thể chế, tổ chức thanh tra, giám sát triển khai là cần thiết. Ngoài ra, không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà cần xây dựng mô hình để các doanh nghiệp và NLĐ ủng hộ, tham gia vào”- ông Thắng nhấn mạnh.
V.Thu