Sáng 31/8, Hội LHPN TP.HCM phối hợp với BHXH Thành phố tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bà Nguyễn Trần Phượng Trân- Chủ tịch Hội LHPN và ông Trần Dũng Hà- Phó giám đốc BHXH TP.HCM đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Đoàn Luật sư TP.HCM; Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn TP.HCM; đại diện Công đoàn KCX-KCN; Các BV và chuyên gia…
Hội thảo góp ý Luật BHXH (sửa đổi) tại TP.HCM
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Trần Phượng Trân- Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho rằng, sau 7 năm thực hiện Luật BHXH, bên cạnh mang lại những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Hội LHPN Thành phố tổ chức tọa đàm góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm thu thập thông tin và ý kiến từ các sở, ngành, địa phương và các cấp Hội về một số quy định của dự thảo luật. Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung đảm bảo căn cứ pháp lý, thực tiễn.
TS.Trương Thị Hiền- Chủ tịch Hội Phụ nữ trí thức TP.HCM nêu ý kiến đồng thuận với đề xuất quy định cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng thêm chế độ thai sản ngoài chế độ hưu trí, tử tuất như hiện hành. Tuy nhiên, theo bà Hiền, mức hưởng trợ cấp thai sản cho lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con cần phải xem xét lại bởi so với mức sống hiện nay không đủ hấp dẫn người tham gia. Ngoài ra, không nên quy định bằng con số cụ thể mà nên quy bằng hệ số gắn với mức lương cơ sở. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng khi vật giá biến động, lương cơ bản được điều chỉnh làm cho các quy định trong Luật trở nên lạc hậu, lại phải sửa đổi, bổ sung.
Ông Trần Dũng Hà phát biểu
BS.Hoàng Thị Diễm Tuyết- Giám đốc BV Hùng Vương góp ý, nên kéo dài thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản cho lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con. “Tôi cho rằng, không phải lao động nữ nào cũng có người thân đỡ đần khi sinh con, nhiều trường hợp chỉ có 2 vợ chồng tự xoay sở. Nếu người chồng đi làm thì người vợ phải tự làm hết các việc nhà, chăm con, trong khi họ cần tối thiểu 6 tuần nghỉ ngơi sau khi sinh để hồi phục sức khỏe. Lao động nam và nữ đều có mức đóng BHXH như nhau. Vì thế, nên chăng Luật cần cho phép kéo dài thời gian nghỉ thai sản với lao động nam để họ có điều kiện chăm sóc con, giúp người vợ có điều kiện hồi phục sức khỏe sau sinh một cách tốt nhất"- BS.Tuyết đề nghị.
Từ phía DN, ông Kim Vĩnh Cường- Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho rằng, nếu giảm thời gian đóng BHXH như Dự thảo Luật từ 20 xuống 15 năm thì nữ sẽ có lợi hơn nam. Bên cạnh đó, ông Cường trao đổi về việc các DN hiện cũng đang băn khoăn chuyện tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Về phụ cấp, các khoản bổ sung khác. Đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng, DN còn nợ chậm đóng BHXH...
Ông Trần Văn Triều- Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM thì cho rằng, đang có bất cập trong quy định hiện hành về vấn đề lao động nữ đi làm sớm khi vẫn trong thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản. Cụ thể, trường hợp lao động nữ trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản 4 tháng phải tham gia BHXH. Đây là điều bất hợp lý bởi Luật BHXH quy định lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được ghi nhận là thời gian tham gia BHXH. Nếu buộc lao động đóng BHXH từ 4 tháng tức là phát sinh thời gian đóng trùng BHXH.
LS.Trương Thị Hòa đóng góp ý kiến
Trong khuôn khổ Hội thảo các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến lao động nữ như: Nên cho lao động nữ sau khi sinh có thể đi làm sớm, tuỳ vào thể trạng sức khoẻ... Bên cạnh đó, không nên phân biệt thời gian đóng BHXH của lao động nam và nữ (dự thảo hiện nay là 15 năm với nữ và 20 năm với nam). Cần rà soát để có chính sách đầy đủ, bao quát hơn liên quan đến các trường hợp người lao động bị ốm đau có ảnh hưởng đến thai sản. Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần. Cân nhắc điều chỉnh mức hưởng của lao động nam khi có vợ sinh con theo mức lương cơ sở…
Ghi nhận và trao đổi cùng các đại biểu tham dự, ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM đánh giá cao các ý kiến đóng góp cũng như tham gia phản biện. Đồng thời, trao đổi để làm rõ thêm về các chế độ, quyền lợi dành cho lao động nữ có trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Các vấn đề liên quan đến chế độ BHXH một lần; cách tính lương hưu giữa nhà nước và DN; 2 phương án tiền lương đóng BHXH; trợ cấp hưu trí xã hội…
Phạm Thọ