Lefamulin (tên thương mại là Xenleta) là một loại kháng sinh mới, được sử dụng để điều trị cho người lớn bị viêm phổi do vi khuẩn mắc phải tại cộng đồng trong những năm gần đây.
Lefamulin là kháng sinh Pleuromutilin đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt vào năm 2019. Mặc dù kháng sinh Pleuromutilin được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1950- cách nay hơn 70 năm, nhưng Lefamulin là thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị toàn thân các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở người, bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng.
Cơ chế tác dụng diệt khuẩn của Lefamulin là ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách liên kết với trung tâm Peptidyl Transferase của Ribosome vi khuẩn 50S; do đó ngăn ngừa sự liên kết của RNA chuyển. Thuốc này có sinh khả dụng đường uống khoảng 25%, nên liều uống cao gấp 4 lần liều tiêm tĩnh mạch.
Với dạng uống, liều sử dụng là 600mg mỗi 12 giờ. Trên thị trường có thuốc dạng viên nén hàm lượng 600mg, nên mỗi ngày chỉ dùng 2 viên. Với dạng tiêm tĩnh mạch, liều sử dụng là 150mg mỗi 12 giờ. Lefamulin có độ thanh thải thận tối thiểu và không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân bị bệnh thận.
Kháng sinh Lefamulin được chỉ định để điều trị viêm phổi do vi khuẩn tại cộng đồng, do các vi sinh vật nhạy cảm gây ra như: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae.
Đối với dạng thuốc viên nén, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ liều lượng và thời gian dùng thuốc chỉ định. Khuyên bệnh nhân cần nuốt toàn bộ viên thuốc với nước, không làm vỡ, nghiền nát hoặc chia nhỏ. Dạng bào chế đảm bảo sinh khả dụng của thuốc và hoạt chất không bị ảnh hưởng của dịch tiêu hóa trong dạ dày, vì vậy, phải uống thuốc kháng sinh này ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.
Tiếp tục sử dụng thuốc trong suốt thời gian điều trị, ngay cả khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy tốt hơn sau một vài ngày. Nếu người bệnh ngừng dùng thuốc quá sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể không khỏi. Liều dùng thuốc sẽ khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều thông thường đối với bệnh viêm phổi do vi khuẩn mắc phải ở cộng đồng ở người lớn là 600mg mỗi 12 giờ, sử dụng liên tục trong 5 ngày.
Liều lượng trên chỉ mang tính chất tham khảo, nên người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn và đơn thuốc của bác sĩ, để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Các nghiên cứu sinh sản động vật với Lefamulin cho thấy một số nguy cơ, song chưa có nghiên cứu đầy đủ được thực hiện ở phụ nữ mang thai.
Các lựa chọn thay thế cho Lefamulin nên được xem xét ở phụ nữ mang thai cho đến khi có dữ liệu an toàn tốt hơn. Nữ giới có khả năng sinh sản, nên sử dụng biện pháp tránh thai trong khi điều trị và trong 2 ngày sau liều cuối cùng.
Một số tương kỵ với các thuốc khác cần lưu ý khi sử dụng kháng sinh này: Không sử dụng thuốc khang sinh Lefamulin cùng với Erythromycin, thuốc điều trị các vấn đề về nhịp tim như Amiodarone, Quinidine, Procainamide, Sotalol...; hay thuốc điều trị bệnh tâm thần như: Pimozide; hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Sử dụng các loại thuốc này cùng với Lefamulin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng không mong muốn. Tác dụng bất lợi của Lefamulin là có thể gây ra kéo dài QT, đặc biệt nếu kết hợp với các thuốc khác kéo dài khoảng QT. Các tác dụng phụ tương đối phổ biến của Lefamulin bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, đau tại chỗ tiêm và viêm gan.
Hoạt chất kháng sinh này được bắt đầu nghiên cứu từ khá lâu; tuy nhiên phải sau hơn 70 năm mới đươc đưa vào sử dụng trong lâm sàng. Điều đó cho thấy, hoạt chất này có khá nhiều tác dụng không mong muốn, cần thận trọng khi sử dụng và cần được cảnh báo cho bệnh nhân để kịp thời thông tin, phối hợp với thầy thuốc trong điều trị.
Luôn nhớ đây là một chất kháng khuẩn Pleuromutilin, được chỉ định để điều trị người lớn bị viêm phổi do vi khuẩn mắc phải trong cộng đồng do các vi sinh vật nhạy cảm. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh tương tác hoặc tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng; đồng thời tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn. Khi có các dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến trung tâm y tế để thăm khám và hỗ trợ kịp thời.
ThS.Lê Quốc Thịnh