Tiền của đang được rót vào các lĩnh vực "xanh" ở khắp khu vực và tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong tiến trình này.
Theo một báo cáo mới đây, tính đến năm 2030, Đông Nam Á có thể có tới 30 triệu việc làm kết nối bền vững, và nền kinh tế thân thiện với môi trường của khu vực này được đánh giá sẽ mang lại các cơ hội kinh tế lên tới 1 nghìn tỷ USD hằng năm.
Báo cáo trên là của tổ chức phi lợi nhuận Bridgespan, với nội dung được nghiên cứu bao gồm các thị trường việc làm ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã xác định 5 lĩnh vực đóng vai trò then chốt đối với quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh, đó là năng lượng mặt trời, điện di động, môi trường xây dựng, nông nghiệp bền vững và quản lý rác thải.
Xu hướng việc làm thời gian qua đã thu hút sự chú ý của khu vực doanh nghiệp. Chẳng hạn, OCBC và Fidelity International đã tạo lập vai trò cho các giám đốc phát triển bền vững trong những tháng gần đây.
Mối quan tâm càng tăng cao trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng, bởi các doanh nghiệp ngày tập trung vào tính bền vững, tác động môi trường, các vấn đề xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), dẫn đến gia tăng nhu cầu truyền tải những thông điệp như vậy, theo bà Joan Liew, chuyên gia tư vấn cấp cao của công ty tuyển dụng Prospect Resourcing.
Thách thức là tìm được đúng người phù hợp cho vai trò này, do ngành ESG ở đây còn khá non trẻ. Người quản lý tuyển dụng cũng cần đạt được sự cân bằng tinh tế giữa mối quan tâm thực sự của ứng viên đối với công việc, những kinh nghiệm liên quan trước đó và các kỹ năng về kỹ thuật.
"Các kỹ năng về kỹ thuật rất quan trọng, nhưng động lực và tư duy phát triển mạnh mẽ mới thực sự quyết định khả năng tuyển dụng và thành công trong công việc", TS.Jeremy Fox- Giám đốc điều hành khu vực tại Generation thuộc tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu chuyên đào tạo nhân sự trong lĩnh vực việc làm xanh bình luận.
Ông Bo Bai thuộc hãng công nghệ tài chính MVGX có trụ sở ở Singapore cũng có cái nhìn tương tự. Ông cho rằng sự chân thành và niềm đam mê về sự bền vững là điều quan trọng hơn so với kinh nghiệm sẵn có, nhưng ông thừa nhận điều này "phụ thuộc rất lớn" vào phạm vi công việc
TS.Bai nhấn mạnh thêm, vì các kỹ năng xanh liên quan nhiều chuyên ngành, từ tư vấn đến chuyên môn kỹ thuật, nên "các ứng viên cần phải có kiến thức nền tảng phức tạp và hiểu biết về ngành".
"Từ hiểu biết khoa học về tác động của biến đổi khí hậu đến quản lý khủng hoảng và chuẩn bị rủi ro, các kỹ năng xanh liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm", ông nói.
Theo báo The Straits Times của Singapore, những người quan tâm chuyển sang làm việc trong lĩnh vực xanh có thể nâng cao kỹ năng thông qua các khóa học liên quan, và họ phải đảm bảo các khóa học đó được chứng nhận và công nhận bởi ngành mà họ muốn chuyển sang. Có nhiều chủ đề phụ và kiến thức chuyên môn mà một cá nhân có thể xây dựng kỹ năng, chẳng hạn như về năng lượng Mặt Trời, gió hoặc thủy điện, biến đổi khí hậu, thị trường carbon, các quy định và chính sách.
Theo Dinesh Babu- Giám đốc điều hành của Climate Action Data Trust với gần 30 năm kinh nghiệm về thị trường carbon và các vấn đề liên quan đến khí hậu, hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đang thực hiện các dự án lớn về tính bền vững vì "họ coi môi trường- xã hội- quản trị (ESG) là một ngành nghề khả thi".
Hoàng Dương