Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 16/10, cảnh báo hiện trạng nước sinh hoạt, điện và nhiên liệu tại Dải Gaza hiện chỉ còn đủ dùng trong 24 giờ.
Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed Al-Mandhari xác nhận các đoàn xe viện trợ đang mắc kẹt ở cửa khẩu Rafah tại biên giới với Ai Cập cần phải được phép vào Dải Gaza, nếu không các bác sĩ sẽ không thể điều trị cho bệnh nhân.
Cửa khẩu Rafah là điểm duy nhất lưu thông Dải Gaza với bên ngoài mà không nằm trong tầm kiểm soát của Israel.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 16/10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định đã nhiều lần kêu gọi phía Israel đảm bảo lưu thông hàng hóa cứu trợ cho Dải Gaza nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi mới. Vào chiều 16/10, cửa khẩu này vẫn đóng khiến các chuyến hàng cứu trợ bị ách tắc ở bên phía Ai Cập.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, Martin Griffiths, thông báo sẽ lên đường tới Trung Đông để giúp đàm phán về việc đảm bảo tiếp cận cứu trợ cho Dải Gaza. Ông sẽ có mặt tại Cairo trong ngày 17/10 và chuyến thăm tới khu vực, trong đó điểm đến Israel sẽ kéo dài vài ngày.
Quan chức này cho biết thêm, ông đang tiến hành các cuộc thảo luận với các quan chức của Israel, Ai Cập cùng các bên khác. Ông hối thúc phong trào Hamas thả "ngay lập tức" những người mà họ bắt giữ mang về Dải Gaza.
Hôm 15/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng cảnh báo Dải Gaza đang cạn kiệt điện, nước cùng các nguồn cung thiết yếu khác. Theo ông, các kho dự trữ thực phẩm, nước, vật tư y tế và nhiên liệu của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập, Jordan, Bờ Tây và Israel "có thể được gửi đi trong vòng vài giờ" nhưng cần đảm bảo rằng các nhân viên cứu trợ "phải đưa được chúng vào khắp Dải Gaza một cách an toàn và không bị cản trở".
Vị Tổng thư ký kêu gọi Hamas lập tức trả tự do cho tất cả những người đang bị bắt giữ mà "không đi kèm bất kỳ điều kiện nào". Ông khẳng định Liên Hợp Quốc có trách nhiệm đưa ra cả 2 lời kêu gọi này bởi khu vực Trung Đông đang "bên bờ vực thẳm ".
Trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao chưa đạt được đột phá, Ngoại trưởng Pháp cho biết Paris ủng hộ sáng kiến của Ai Cập tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế bàn về cuộc xung đột hiện nay.
Tel Aviv tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hamas hôm 8/10, một ngày sau cuộc đột kích của lực lượng này vào Israel. Theo thống kê, số người thiệt mạng vì cuộc tấn công đã lên tới 1.400, chủ yếu là dân thường. Hàng loạt cuộc không kích sau đó của Israel đã san phẳng nhiều khu dân cư ở Dải Gaza, nơi Hamas nắm quyền kiểm soát, và khiến gần 2.700 người thiệt mạng, đa số là dân thường Palestine. Israel cũng cắt toàn bộ nguồn cung cấp nước, điện và thực phẩm cho khu vực trước khi nối lại nguồn nước cho miền nam Gaza ngày 15/10.
Quân đội Israel đã yêu cầu người dân ở phía bắc Dải Gaza di chuyển về phía nam để đảm bảo an toàn, trước khi họ phát động một cuộc tấn công trên bộ vào khu vực. Các nhóm viện trợ cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tại đây khi khoảng một triệu người phải di dời.
Hoàng Dương