Kể từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam không chỉ đạt được các thành tựu về phát triển kinh tế, mà nhiệm vụ phát triển xã hội, trọng tâm là bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cũng đạt được nhiều dấu ấn nổi bật.
Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Theo đó, tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu thu nhập) giảm mạnh từ trên 70% (năm 1990) xuống còn 58,1% (năm 1993), 28,9% (năm 2002), 14,5% (năm 2008) và 13,5% (năm 2014). Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm một cách ấn tượng, từ 9,2% (năm 2016) xuống 6,8% (năm 2018) và xuống còn 2,75% (năm 2020). Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon từng đánh giá Việt Nam “là một trong những nước đi đầu thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ” (năm 2015).
An sinh xã hội và an ninh con người ngày càng được đảm bảo
Đó là một trong những dấu ấn cho thấy sự quan tâm thực hiện các chính sách xã hội, an sinh xã hội của Việt Nam. Cụ thể hơn, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN; nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tăng cường và đạt nhiều kết quả lạc quan khác. Trong 5 năm qua, cả nước đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới, với mức thu nhập tốt hơn. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã và đang trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, khi tỷ lệ bao phủ tăng nhanh; chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng…
Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công có tỷ lệ đánh giá “Tốt” chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm có tỷ lệ đánh giá “Tốt” chiếm 68%, tăng 13 bậc.
Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ định hướng: Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Cùng với đó, văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ rõ: Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Nâng cao chất lượng dân số; tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hoá dân số. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động, đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả...
Do đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể mà Việt Nam cần thực hiện, đó là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt tỷ lệ độ bao phủ 60% vào năm 2030, hướng tới BHXH toàn dân. Mở rộng và duy trì BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng, đặt y tế cơ sở là nền tảng để chăm sóc sức khoẻ người dân.
PV