Trong bối cảnh khó khăn chung, BHXH Việt Nam đang quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Đồng thời, tích cực và chủ động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Sáng nay (28/6), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo Ngành mở rộng. Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Giám đốc: Đào Việt Ánh, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, qua đó nhận diện những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ để đề ra giải pháp ứng phó từ sớm, từ xa.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đinh Mai Long- Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết: Theo số liệu ước thực hiện đến hết tháng 6/2023, cả nước có 17,485 triệu người tham gia BHXH, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH bắt buộc có 15,998 triệu người tham gia (tăng 499 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022); BHXH tự nguyện có 1,487 triệu người tham gia (tăng 163 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022); BHYT có 90,897 triệu người tham gia, tăng 4,358 triệu người so với cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 91,86% dân số. Dự kiến thu BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm được 220.688 tỷ đồng, tăng 21.398 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 46,04% kế hoạch.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết cho 37.840 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN hằng tháng (trong đó hưu trí có 27.553 người); 668.307 người hưởng các chế độ một lần (trong đó nhận BHXH một lần có 575.612 người); 4.367.694 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK. Đồng thời, phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 476.519 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 9.565 người hưởng hỗ trợ học nghề; chi trả chi phí KCB BHYT cho 84,212 triệu lượt bệnh nhân BHYT, tăng 19,98 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2022, với số tiền phải thanh toán là 59.745 tỷ đồng (tăng 13.451 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).
Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ thực hiện công tác thu 6 tháng cuối năm 2023, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia. Trong đó, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản chi tiết, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT toàn diện, linh hoạt, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù mỗi địa phương, nhất là tập trung đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện. Cùng với đó, chủ động xây dựng nội dung, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT...
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT nhấn mạnh, dù toàn Ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực ngăn chặn và xử lý, nhưng tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT vẫn diễn biến phức tạp, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng. Điển hình như vụ việc một số cơ sở KCB BHYT “bắt tay” với người dân để cấp khống GCN nghỉ việc hưởng BHXH xảy ra tại tỉnh Đồng Nai... “Thời gian tới, Ban Thực hiện chính sách BHYT sẽ tiếp tục tham gia xây dựng các chính sách, trong đó có sửa Nghị định 146; đồng thời tăng cường phối hợp với các vụ, ban của BHXH Việt Nam kiểm soát chi phí KCB, ngăn ngừa trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia...”- ông Phúc cho biết.
Đối với việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH khẳng định, BHXH các địa phương đã rất nỗ lực trong kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH. Nhằm ngăn ngừa, kiểm soát trục lợi quỹ BHXH, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn đầy đủ. Đồng thời, ông Thọ đề nghị Ngành cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan có chế tài xử lý mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng nêu trên.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị cũng đã thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để đề xuất giải pháp kịp thời. Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, các ý kiến tập trung vào 2 nhóm giải pháp. Cụ thể, đối với nhóm giải pháp căn cơ bao gồm sửa quy trình, sửa luật, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT…; còn với nhóm giải pháp tình thế nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cấp thiết trước mắt.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ kiên định với mục tiêu đề ra, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2023. Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành phải nắm chắc, bám sát thực tiễn để có phản ứng kịp thời. Riêng BHXH các địa phương cần bám sát hơn nữa các chỉ đạo của Ngành, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương; đồng thời cần có kịch bản phù hợp, sát thực tế, trong đó nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo độ bao phủ như kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng cần tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị chậm đóng, trốn đóng; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao, gia tăng chi phí bất hợp lý; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đóng BHXH, BHYT; lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với trường hợp cố tình vi phạm. Ngoài ra, tăng cường rà soát, nhận diện các rủi ro, sai phạm để kịp thời có văn bản chấn chỉnh; hoàn thiện kịch bản, giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT. "Toàn Ngành cần phát huy hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông để người dân, DN nhận thức rõ chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; đặt mục tiêu hàng đầu là đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, DN, chống trục lợi, thất thoát quỹ BHXH, BHYT"- Tổng Giám đốc lưu ý.
Hà Hùng