Bài 2
Thiệt đơn, thiệt kép
Chính sách BHXH, trong đó có chế độ hưu trí nhằm giúp NLĐ khi hết tuổi lao động có lương hưu để bảo đảm ổn định cuộc sống. Đây cũng là sự chia sẻ giữa NLĐ, DN và Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, việc siết lại điều kiện nhận BHXH một lần không chỉ đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, mà còn giúp chính NLĐ tránh bị thiệt thòi.
Gia tăng tình trạng nhận BHXH một lần
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 5 năm qua (2016-2020), cả nước có trên 3,7 triệu người nhận BHXH một lần (bình quân mỗi năm gần 750.000 người)- tức cứ 2 người tham gia BHXH thì có 1 người rời hệ thống. Số người nhận BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các trường hợp nhận BHXH một lần chủ yếu có số năm đóng BHXH ít (đa số dưới 15 năm). Nguyên nhân một phần là do quy định về điều kiện để hưởng lương hưu phải đóng BHXH ít nhất 20 năm là quá dài, không phù hợp với thị trường lao động nhiều biến động. Trong khi đó, quy định nhận BHXH một lần hiện khá dễ dàng, thậm chí mức hưởng cao hơn mức đóng. Theo đó, sau một năm nghỉ việc và không tham gia BHXH, NLĐ có thể nhận BHXH một lần; mức hưởng của những năm đóng trước năm 2014 lên đến 1,5 tháng lương/năm.
Có lương hưu giúp NLĐ yên tâm hơn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp
Còn theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm nay, số người đề nghị nhận BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 5/2021, có 103.918 người làm thủ tục BHXH một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên 469.744 người.
Tại địa phương, trong 4 tháng đầu năm 2021, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết cho 9.317 người nhận BHXH một lần, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số người thanh toán BHXH một lần gia tăng như: Huyện Thạch Thành có 715 người, huyện Ngọc Lặc có 695 người, huyện Hoằng Hóa có 550 người, TX.Nghi Sơn có 643 người...
Theo bà Đỗ Thị Dung- Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Thanh Hóa), có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ chọn nhận BHXH một lần. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bắt đầu từ năm 2020, nhiều DN gặp khó khăn, số NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc tăng. Đa số NLĐ thanh toán BHXH một lần là những người còn trẻ, chưa có thói quen tích lũy. Nhiều người xem khoản tiền trợ cấp BHXH một lần được nhận sau mỗi lần nghỉ việc là một khoản tiền tiết kiệm đương nhiên phải lấy để trang trải cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới. “Họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chưa lường được sau này khi già yếu không có lương hưu, không còn khả năng lao động, lại ốm yếu, bệnh tật sẽ không có chỗ dựa. Nếu đã hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ tự đánh mất khả năng tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, khi về già sẽ không có nguồn thu nhập, không có sự hỗ trợ về BHYT thì quá thiệt thòi”- bà Dung chia sẻ.
Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho nhiều đơn vị, DN. Vì vậy, nhiều DN phải tạm dừng sản xuất kinh doanh hoặc chỉ hoạt động cầm chừng; một số DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng tránh dịch bệnh. Trong khi đó, những NLĐ tham gia BHXH bị giảm hoặc mất thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn nên đã đi đến quyết định làm thủ tục nhận BHXH một lần. Tính đến đầu tháng 6/2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 1.926 NLĐ đã nhận BHXH một lần, với tổng số tiền hơn 61,4 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2020 có 1.713 người với số tiền hơn 61,3 tỷ đồng.
Khi NLĐ đến làm thủ tục nhận BHXH một lần, cơ quan BHXH đều giải thích, tư vấn về những thiệt thòi khi lĩnh BHXH một lần đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu. Trường hợp nếu không may mắc bệnh sẽ không có thẻ BHYT, NLĐ phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả chi phí KCB nếu bệnh dài ngày. Thế nhưng, nhiều NLĐ phớt lờ những tư vấn trên, mà vẫn quyết định nhận BHXH một lần để chi tiêu cho những nhu cầu trước mắt.
Nhiều người cao tuổi không có lương hưu
Theo PGS.Nguyễn Tuấn Anh- Phó Trưởng khoa Xã hội học (ĐH KH-XH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam chính là hiện có gần 46% người từ 60-64 tuổi, gần 30% người từ 70-79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống. Nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập mỗi tháng dưới 1 triệu đồng/người ở nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng/người ở thành thị), thì Việt Nam có tới 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo. Năm 2019, trong số 13,4 triệu người cao tuổi chỉ có 23,5% được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do quỹ BHXH chi trả. Trong khi đó, 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp- đồng nghĩa với việc họ phải sống dựa vào con cháu, gia đình hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh”- PGS-Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
NLĐ làm thủ tục nhận BHXH một lần
Chị Lê Thị Thu trước đây làm công nhân cho Công ty CP Long Thọ (Thừa Thiên Huế), đã đóng BHXH hơn 18 năm nhưng khi nghỉ việc lại quyết định nhận BHXH một lần. 55 tuổi, thấy bạn bè được lĩnh lương hưu hàng tháng, có “đồng ra đồng vào” ổn định cuộc sống, chị Thu mới giật mình khi nghĩ đến tương lai sau này không biết dựa vào nguồn thu nhập nào để sống. Vì vậy, chị tìm đến cơ quan BHXH xin được đóng lại số tiền đã nhận. Do Luật BHXH không có quy định nào về việc này, nên chị Thu đề nghị được tham gia BHXH tự nguyện, với mong muốn có lương hưu để lo cho cuộc sống.
Trước tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo đó, cơ quan chức năng dự kiến sẽ điều chỉnh quy định về điều kiện nhận BHXH một lần; có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết BHXH một lần cho NLĐ tới tuổi hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, ra nước ngoài hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; giảm điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu để khuyến khích NLĐ nhận lương hưu thay vì rút BHXH một lần.
“NLĐ nhận BHXH một lần chỉ để giải quyết nhu cầu trước mắt. Lựa chọn này khiến họ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, bị lỡ cơ hội được hưởng lương hưu cũng như thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già. Theo tính toán, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, việc NLĐ đăng ký nhận BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình an sinh xã hội đất nước”- ông Trần Hải Nam- Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định.
Vũ Thu
(Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)