Theo khảo sát của Đại học Quản lý Singapore (Singapore Management University, SMU) với người tham gia từ độ tuổi 53 đến 78, 34% người tham gia khảo sát cho biết đã có sự chuẩn bị cho việc nghỉ hưu; trong khi đó, 27% người chia sẻ chưa có kế hoạch nghỉ hưu.
Trung tâm Nghiên cứu về Lão hóa của Đại học Quản lý Singapore (SMU Centre for Research on Successful Ageing, ROSA) vừa thực hiện khảo sát về Nghiên cứu các đặc điểm kinh tế và sức khỏe của thế hệ Pioneer (là người Singapore sinh từ năm 1949 trở về trước); thế hệ Merdekah (sinh vào những năm 1950) và thế hệ Majulah (sinh năm 1973 trở về trước). Tham gia khảo sát là 6.430 người Singapore độ tuổi 53 đến 78 tuổi. Song song đó, lấy dữ liệu bổ sung từ Singapore Life Panel ® (SLP).
Kết quả, với thế hệ Majulah, 80% đồng ý hoặc khá đồng ý rằng họ có đủ kiến thức để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu; 78% đồng ý hoặc khá đồng ý với việc thường xuyên tiết kiệm để nghỉ hưu. Một phần năm (22%) cho biết, kế hoạch nghỉ hưu của họ là chắc chắn; 28% không có kế hoạch nghỉ hưu nào cả và 50% nói đang cân nhắc giữa một số hình thức nghỉ hưu. 74% đồng ý hoặc khá đồng ý với ý kiến là khoản tiết kiệm hưu trí của họ đang tăng đúng lộ trình để đáp ứng kế hoạch nghỉ hưu. Khoảng 63% đồng ý hoặc khá đồng ý rằng sẽ tích lũy đủ tiền thực hiện nhu cầu nghỉ hưu của họ.
Khảo sát còn chỉ ra, người thuộc thế hệ Pioneer có xu hướng sống 1 mình nhiều hơn so với các thế hệ khác. Hiện gần 1/5 số người thế hệ Pioneer đang sống 1 mình vì nhiều lý do; trong khi đó, chỉ có khoảng 11% thế hệ Majulah không sống cùng vợ hoặc chồng. Ngoài ra, tuổi càng cao, chi phí chăm sóc sức khỏe càng trở nên đắt đỏ hơn. Các bệnh mãn tính hay khuyết tật vì bệnh tật phổ biến hơn ở người thế hệ Pioneer; tuy nhiên, khảo sát nhấn mạnh việc khoảng 20% thế hệ Majulah- mặc dù đang ở đội tuổi U55, vẫn gặp phải một số dạng khuyết tật với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Từ khảo sát, Trung tâm Nghiên cứu về Lão hóa của Đại học Quản lý Singapore đưa ra một số đề xuất, như:
Chăm sóc về tinh thần tốt hơn nữa cho người cao tuổi thuộc thế hệ Pioneer để tiếp thêm sức mạnh cho họ chống lại sự cô độc và bệnh tật.
Đối với thế hệ Merdeka, một nửa trong số họ đã về hưu đúng quy định của pháp luật lao động, song vẫn còn một nửa đang làm việc, chủ yếu là công việc bán thời gian (part-time). Vậy nên Chính phủ và các bên có liên quan cần nghiên cứu “các chính sách thúc đẩy tạo công việc bán thời gian mới, đào tạo lại và cơ khuyến khích tài chính nhằm giúp họ có cơ hội tìm được việc làm phù hợp; kéo dài thời gian làm việc và gắn kết với cộng đồng thông qua hoạt động tình nguyện”.
Và thế hệ Majulah thì “các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu có thể xem xét xu hướng nâng tuổi nghỉ hưu; nghiên cứu tác động tâm lý xã hội của việc nghỉ hưu; nâng cao nhận thức về chiến lược quản lý tài sản mới cho đối tượng này chứ không chỉ trông vào bảo hiểm nhân thọ…”.
Tùng Anh (Theo TISG)