Ngày 16/10, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) phát động tuần lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm 2023. Đây là một sáng kiến nhằm tăng cường an ninh và tính bền vững của hệ thống lương thực toàn cầu.
Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm nay của FAO tôn vinh nước, nguồn tài nguyên quý giá nhất hành tinh: "Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không để ai bị bỏ lại phía sau". Mục đích là nhằm nâng cao nhận thức của người dân thế giới về vai trò của nước trong bối cảnh tình trạng khai hiếm nước sạch đang ảnh hưởng đến 2,4 tỷ người và tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái và biến đổi khí hậu đang gây tác động nghiêm trọng tới 600 triệu người sống phụ thuộc vào thủy sản.
Buổi lễ phát động của FAO có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Italy Sergio Mattarella, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc Cindy Hensley McCain.
"Không có nước thì không có lương thực. Và sẽ không có an ninh lương thực nếu không có an ninh về nguồn nước", Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) khẳng định, nhấn mạnh mối liên hệ giữa nước và lương thực.
Ông Khuất Đông Ngọc chỉ ra sự gia tăng dân số nhanh chóng, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và khủng hoảng khí hậu đều gây thiệt hại cho tài nguyên nước trên toàn cầu, trong khi lũ lụt và hạn hán ngày càng gia tăng đang ảnh hưởng đến hệ thống nông sản thế giới. "Cần tăng tốc hành động nếu chúng ta muốn đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc", ông nói.
Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt tình trạng khô hạn ở mức độ nghiêm trọng, đe dọa các hoạt động kinh tế và làm ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh của con người.
Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), khoảng 50% dân số toàn cầu hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và tình hình sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nước ngọt đang bị hoang phí và tình trạng làm ô nhiễm nguồn nước sạch đang xảy ra phổ biến ở hầu khắp mọi nơi. Liên Hợp Quốc cảnh báo, khoảng 2/3 dân số trên thế giới sẽ đối mặt nguy cơ mất an ninh về nước sau năm 2030 nếu không có các biện pháp quyết liệt ngay từ bây giờ. Gần 1 tỷ tấn thực phẩm, tức khoảng 17% tổng số thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới bị vứt bỏ mỗi năm, dẫn đến lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, chẳng hạn như nước, được sử dụng để sản xuất ra chúng.
Trong một thông điệp video, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng Ngày Lương thực thế giới năm nay "diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt khủng hoảng lương thực và đang nỗ lực để chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng". "Việc quản lý bền vững nguồn nước cho nông nghiệp và sản xuất lương thực là điều cần thiết để chấm dứt nạn đói, đạt được SDG và bảo tồn tài nguyên nước cho các thế hệ tương lai", ông Guterres nhấn mạnh.
FAO được thành lập ngày 16/10/1945, hiện có khoảng 183 nước thành viên. Kể từ năm 1981, ngày 16/10 đã được tổ chức này chọn làm Ngày Lương thực thế giới.
Hoàng Dương