Ngày 6/7, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Phải nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao, phải càng gương mẫu. Có như vậy mới có thêm động lực, tạo thêm thuận lợi cho TTATGT, đáp ứng đủ yêu cầu của Đảng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Theo Thường trực Ban Bí thư, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, sự đồng thuận trong nhân dân được nâng cao hơn; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đầu tư hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, nhiều mô hình mới, cách làm hay, có hiệu quả, nhiều tấm gương điển hình đã góp phần tích cực bảo đảm TTATGT.
Trên cơ sở đó, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với 10 năm trước, cụ thể đã giảm 37% số vụ, 29% số người chết và 44% số người bị thương. Đặc biệt, gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng liên quan kiên quyết đẩy mạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giao thông. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày đã xử lý trên dưới 2.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và tăng cường xử lý phương tiện giao thông vận tải quá khổ, vi phạm trọng tải, tốc độ.
Việc kiểm tra, xử lý này góp phần nâng cao hình ảnh chấp pháp của lực lượng được giao nhiệm vụ, góp phần giảm 14,8% số vụ tai nạn giao thông, 16,07% số người chết, 7,19% người bị thương so với cùng kỳ. “Đây là những chuyển biến mới, tích cực, góp phần hình thành văn hóa tham gia giao thông. Kết quả này không chỉ trực tiếp tác động đến bảo đảm TTATGT, mà còn góp phần giảm tội phạm do sử dụng rượu, bia”- Thường trực Ban Bí thư khẳng định.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo đảm TTATGT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn đang là nỗi lo lắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tai nạn giao thông giảm chưa thật bền vững; ý thức chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông vẫn còn là vấn đề lâu dài; tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM vẫn đang là thách thức lớn… “Những con số về người chết, người bị thương, đằng sau đó là nỗi đau mất mát của nhiều gia đình, của trẻ em bị mồ côi cha mẹ, một bộ phận người bị thương tật không thể có lại được cuộc sống bình thường”- Thường trực Ban Bí thư chia sẻ.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng cho rằng, phải tiếp tục quyết tâm, có giải pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới để đạt được mục tiêu, yêu cầu đối với công tác bảo đảm TTATGT. Cùng với đó, phát huy tốt hơn sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần, nội dung của Chỉ thị và phải tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần mang lại sự bình yên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Đặc biệt, những nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 23 cần phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Nhấn mạnh việc 2 luật sẽ được trình Quốc hội thông qua là Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, Thường trực Ban Bí thư đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với TTATGT và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trách nhiệm quản lý nhà nước, xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và huy động sự tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng dân cư, cơ sở giáo dục đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đề cập vấn nạn ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm, Thường trực Ban Bí thư cho biết, vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo liên tục, phối hợp chặt chẽ đồng bộ, cũng như nguồn lực để thực hiện. Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc di dời trụ sở, trường học, BV, khu sản xuất lớn ra ngoài khu vực trung tâm, phát triển phương tiện giao thông vận tải công cộng, điều chỉnh quy mô dân số hợp lý, nâng cao năng lực điều hành giao thông, ý thức chấp hành pháp luật.
Đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực to lớn của bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan trong việc tăng cường bảo đảm TTATGT, Thường trực Ban Bí thư mong muốn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, vận động xã hội cùng nhau xây dựng đạo đức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Trong đó, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm và gương mẫu vấn đề này.
Bên cạnh đó, các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phải xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải toàn tâm, toàn ý để mang lại hiệu quả trong quá trình bảo đảm TTATGT.
Theo TTXVN