Sáng 16/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm vụ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023; Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội vui mừng cho biết, mỗi lần quay trở lại đều thấy Thừa Thiên Huế có những bước phát triển mới. Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết với mong muốn từ lâu sẽ phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản. Trung ương rất trăn trở và đã tìm được định hướng phát triển cho Thừa Thiên Huế. Theo đó, đô thị di sản không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương, nhưng nguồn lực thực hiện còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
“Vừa qua, Ủy ban TVQH đã sửa đổi và ban hành các Nghị quyết mới về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Khi sửa đổi, ban hành 2 Nghị quyết này, thì một trong những tiêu chí quan trọng đã được Ủy ban TVQH xem xét là Thừa Thiên Huế có khả năng đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 hay không”- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 6 chỉ tiêu khả năng đạt và 4 chỉ tiêu khó đạt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 7,3%/năm, trong đó 6 tháng đầu năm nay đạt 6,51%- là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD, tăng gần 1,2 lần so với năm 2020. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm, năm 2023 ước đạt 13.000 tỷ đồng…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình MTQG. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 2,79%. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng. Giai đoạn 2021-2023, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động; có 2.098 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình hành động về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời đã ban hành các nghị quyết chuyên đề xây dựng tỉnh thành 4 trung tâm: Giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, khoa học-công nghệ, y tế; về công tác giảm nghèo bền vững, phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển huyện Phong Điền, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng như: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế; Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia… Theo đó, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 9 đơn vị hành chính với 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Đến năm 2030, TP.Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, có 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội đã dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế- nơi có hơn 2.000 liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đang yên nghỉ. Các thành viên Đoàn công tác đã nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sư nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; nguyện tiếp tục học tập, ra sức rèn luyện, tiếp bước truyền thống của các thế hệ cha anh xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Cũng tại TP.Huế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã tới thăm và tặng quà gia đình ông Nguyễn Minh Lực- gia đình đang thờ cúng Liệt sĩ Tôn Thất Cảnh- Anh hùng LLVT, Chính trị viên đầu tiên của Công an Thừa Thiên Huế; 2 người con của Liệt sĩ Tôn Thất Cảnh cũng là Liệt sĩ- hy sinh năm 1947; vợ Liệt sĩ Tôn Thất Cảnh là bà Nguyễn Thị Trân là Mẹ Việt Nam Anh hùng- người đã được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Một nhà Trung Nghĩa- Muôn thuở Thơm Danh” đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động, tri ân sự hy sinh to lớn của của gia đình Liệt sĩ Tôn Thất Cảnh; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Nguyệt Hà