Ông HJM Seneviratne, 63 tuổi, đang cần mẫn cắt bỏ ruộng lúa úa vàng khô héo. Hạn hán đã phá hủy hơn 95% vụ mùa của ông. Vụ lúa hè của Sri Lanka cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì thiếu nước tưới tiêu.
Hậu đại dịch Covid-19, được hỗ trợ bởi gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Sri Lanka dần dần ổn định nền kinh tế kể từ tháng 3/2023, xây dựng lại nguồn dự trữ đã suy giảm, kiểm soát lạm phát và củng cố giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, ở lĩnh vực nông nghiệp, khả năng phục hồi gần như không cao, do giá đầu vào từ phân bón đến điện năng tăng vọt và nguồn nước tưới tiêu cạn kiệt do hạn hán. Đây đang trở thành một vấn đề lớn đối với Chính phủ bởi 1/3 dân số Sri Lanka tham gia vào các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.
Đứng giữa cánh đồng bụi bặm gần Anamaduwa, một thị trấn nhỏ nằm ở phía Tây Bắc Sri Lanka, ông HJM Seneviratne thẫn thờ chia sẻ: “Tôi đã làm nông dân 40 năm nay nhưng chưa bao giờ trải qua thời điểm khó khăn hơn thế này. Chúng tôi đã không có đủ mưa kể từ tháng 5/2023. Vụ thu hoạch kém đến mức thậm chí không có lúa giống cho vụ tiếp theo. Gió mùa Tây Nam năm nay rất ít do hình thái thời tiết El Nino và Cơ quan Thời tiết Quốc gia ước tính sẽ không có mưa cho đến tháng 10/2023”.
Thông thường, 4 mẫu đất của ông HJM Seneviratne cho năng suất khoảng 4,5-6 tấn thóc cho vụ thu hoạch mùa hè, song năm nay ông dự đoán sẽ chỉ thu được khoảng 150 kg. Gần như 8 bể chứa và hệ thống ao, hồ lớn dùng để chứa nước mưa phục vụ tưới tiêu trong khu vực đã khô cạn. Đến nay, khoảng 200 mẫu lúa đã bị mất mùa hoàn toàn. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Sri Lanka Mahinda Amaraweera, thiệt hại về lúa có thể lên tới 75.000 mẫu Anh trên tổng số 1,3 triệu mẫu Anh của vụ thu hoạch mùa hè. Trong khi đó, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng thiệt hại có thể còn cao hơn do số liệu vẫn chưa được thu thập đầy đủ. Ông Buddhi Marambe, Giáo sư ngành Khoa học cây trồng, Đại học Peradeniya (Sri Lanka), cho biết: “Theo dữ liệu mới nhất, Sri Lanka đã mất ít nhất 80.000 tấn thóc và con số này có thể nhiều hơn. Năm ngoái, khi mùa màng bị thiệt hại do thiếu phân bón vì khủng hoảng kinh tế, thì Sri Lanka vẫn sản xuất được 1,5 triệu tấn thóc”.
Hạn hán có thể làm đảo chiều xu hướng giảm giá lương thực trong những tháng gần đây. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cảnh báo, hạn hán, giá dầu tăng và giá hàng hóa toàn cầu cao hơn có thể “gây áp lực lên mức tăng trưởng kinh tế dự kiến trong thời gian tới của Sri Lanka, trong khi hòn đảo này đang phải vật lộn để hạn chế mức suy thoái kinh tế xuống 2% trong năm 2023 sau khi giảm 7,8% vào năm 2022”. Tình hình càng khó khăn hơn khi quốc gia láng giềng phía Bắc của Sri Lanka là Ấn Độ cũng dự kiến sẽ có tháng 8/2023 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ, khiến Chính phủ phải hạn chế xuất khẩu một số loại gạo (Sri Lanka trước đây thường nhập khẩu gạo từ Ấn Độ để bù đắp tình trạng thiếu hụt sản xuất nông nghiệp-ND).
Các chuyên gia dự báo, nếu Sri Lanka không nhận được lượng mưa cần thiết vào tháng 3/2024 tới do El Nino tiếp tục diễn ra, sẽ chỉ còn lại lượng dự trữ ít ỏi và sẽ phải sử dụng nguồn nhập khẩu quy mô lớn, chi phí cao. Trong đợt El Nino gần đây nhất vào năm 2016-2017, sản lượng lúa gạo của Sri Lanka giảm gần 50% so với cùng kỳ xuống còn 2,4 triệu tấn trong cả 2 vụ thu hoạch. Gạo là lương thực chính của 22 triệu dân Sri Lanka và là cây trồng lớn nhất của quốc gia. Theo dữ liệu của Chính phủ, hiện có 2 triệu người Sri Lanka là nông dân trồng lúa trên tổng số 8,1 triệu người làm nghề đánh cá và ngành, nghề nông nghiệp khác. “Không chỉ lúa, hạn hán cũng “xóa sổ” ớt, đậu phộng và chuối”- bà WM Makamma, 62 tuổi, buồn bã: “Trước đây, chúng tôi thường nấu ăn đủ 3 bữa/ngày nhưng giờ chỉ còn 2 bữa. Chúng tôi đã phải ngừng mua trứng, thịt gà và cá tươi. Bữa trưa có khi chỉ là một tách trà đen. Tôi cảm thấy gia đình tôi đã kiệt quệ hoàn toàn và rất khó để hồi phục”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)