Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH có buổi làm việc với Đoàn công tác nhóm 3 của BCĐ tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua.
Thay đổi căn bản về an sinh xã hội
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các chính sách xã hội của đất nước không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Về các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC và thân nhân, có trên 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hàng tháng, cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ NCC gặp khó khăn về nhà ở; 98,6% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đối với thể chế thị trường lao động thì từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững; tỷ lệ thất nghiệp chung ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 67%.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, BHXH đã từng bước phát triển, khẳng định vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, năm 2022, diện bao phủ BHXH đạt 38,08% và BH thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; có 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Nhiều chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) đã mở rộng về đối tượng và tăng mức hưởng. Số người hưởng TGXH thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,3 triệu người năm 2022 (chiếm 3,5% dân số). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều người dân được hỗ trợ kịp thời từ chính sách TGXH đột xuất. “Về đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, trong giáo dục tối thiểu, trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%. Tính đến nay, cả nước có độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92% dân số, trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 10,8%; 90% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất, truyền hình mặt đất”- ông Hồi khẳng định.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách xã hội vẫn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thị trường lao động chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và việc làm thấp, tỷ lệ bao phủ BHXH, BH thất nghiệp còn thấp, độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn hẹp, mức chuẩn trợ cấp thấp. Chất lượng dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, chưa thực hiện được quản lý theo trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng. Chính sách xã hội thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện.
Tại buổi làm việc, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 8 BCH Trung ương khóa XIII vừa qua, thảo luận, báo cáo về nội dung này, Bộ muốn chuyển dần việc dùng từ đảm bảo “an sinh xã hội” sang thành chế độ “phúc lợi xã hội”, chính sách xã hội để phán ảnh đúng nội hàm vấn đề. “Thực tế đến nay, trong thực hiện các chính sách xã hội, Việt Nam đã chuyển từ việc lo cho một bộ phận người yếu thế ở mức tối thiểu sang nâng cao về chất lượng sống. Nếu như trước đây chỉ một bộ phận người yếu thế được thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội thì nay tất cả các tầng lớp nhân dân đều được thụ hưởng các thành quả phát triển xã hội. Những năm trước đây, việc lo an sinh xã hội do nhà nước gánh. Tới nay, bước chuyển căn bản là thực hiện hệ thống chính sách xã hội, một số công tác, hoạt động nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng chính sách”- ông Dung khái quát.
Để đạt được mục tiêu chính sách đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, cần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, bao trùm, toàn diện, bền vững, hiện đại, thích ứng; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân bảo đảm cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng tốt cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục. Định hướng căn bản khác là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển việc làm bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy tiềm năng, phát triển toàn diện và có mức thu nhập trung bình cao; quản lý phát triển xã hội hiệu quả, nghiêm minh, đi đôi với bảo đảm quyền con người, an ninh con người, an sinh xã hội. “Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tiềm năng, thế mạnh đóng góp cho phát triển xã hội hài hòa; người dân được đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, có thu nhập cao và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong đất nước hùng cường, thịnh vượng”- ông Dung nhấn mạnh.
Không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH cũng như quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng là chính sách xã hội thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ, góp phần quan trọng trong bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. “Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy phát triển, lựa chọn mô hình kinh tế. Các mục tiêu xã hội hiện nay chỉ đạt được khi chúng ta có mô hình kinh tế bền vững hơn như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, … thay thế mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Xác định yêu cầu không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rút ra bài học kinh nghiệm trong khắc phục, điều tiết mặt trái của kinh tế thị trường bằng các công cụ, chính sách xã hội rõ ràng, cụ thể. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục phân tích thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận theo tư tưởng, quan điểm, mục tiêu của Đảng về mô hình phát triển, thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó xác định những vấn đề ưu tiên giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH cần làm rõ hơn nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tham khảo kinh nghiệm vận hành mô hình an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, sự tham gia của tư nhân từ các quốc gia trên thế giới.
V.Thu