Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất trong khu vực được công nhận là quốc gia phát triển; có GDP bình quân đầu người cao và xếp hạng về Chỉ số Phát triển con người (HDI) thuộc tốp đầu. Thế nhưng, bất chấp những thành tựu này, hiện ít nhất vẫn có 10% hộ gia đình ở Singapore có thu nhập thấp và có khả năng rơi vào tình trạng nghèo đói.
Nhìn lại lịch sử Singapore có thể thấy, “chấm đỏ nhỏ” (Red Dot, một trong những biệt danh người ta dùng để chỉ quốc gia này) luôn là điểm trung chuyển, là nơi giao hòa các nền văn hóa khác nhau. Từ Vương quốc Srivijaya của người Mã Lai cổ đại, đến thuộc địa của Vương quốc Anh và vào thế kỷ 20, Singapore hiện đại mới hình thành. Sau khi người Anh rời khỏi khu vực vào năm 1963, Singapore cùng với Malaya, Sabah và Sarawak đã thành lập Liên bang Malaysia, song Singapore gần như bị “trục xuất” khỏi Liên bang vào những năm 70; lý do là “căng thẳng sắc tộc và sự khác biệt chính trị giữa các đảng cầm quyền”.
Trước khi giành được độc lập, các nhà lãnh đạo Singapore ngày càng lo ngại về nền kinh tế, nguyên nhân chính do tài nguyên đất của Singapore hạn chế, khó có thể phát triển các hoạt động nông nghiệp. Vì vậy, họ xác định mũi nhọn kinh tế là thương mại quốc tế; trong đó, nhấn mạnh việc tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu, sau đó xử lý và tái xuất khẩu sang các quốc gia khác. Điều này đã làm cho Singapore trở thành cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới về trọng tải vận chuyển, với trung bình 140.000 tàu nối Singapore với hơn 600 cảng trên khắp thế giới.
Với quá trình công nghiệp hóa cơ bản như vậy, Singapore tiếp tục xoay sở để “định vị” quốc gia trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu, tập trung vào lực lượng lao động có kỹ năng hiện đại, lấy công nghệ làm trung tâm, hạn chế tiến đến loại bỏ phương thức sản xuất truyền thống. Thành quả là GDP của Singapore có sự nhảy vọt; theo số liệu năm 2022, GDP đạt 466,79 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là 82.807 USD. Tuy nhiên, giống như quy luật tất yếu, không phải xã hội nào cũng chỉ toàn người giàu mà không có người nghèo, Singapore cũng vậy. Câu chuyện về Nurhaida Jantan, một bà mẹ đơn thân Singapore là một ví dụ. Nurhaida Jantan không có việc làm ổn định, có lúc thất nghiệp nhưng cô có tới 6 đứa con. Họ đang chen chúc trong một căn hộ nhỏ có diện tích vẻn vẹn 30m2, hầu như không có đồ đạc gì đáng giá. Nurhaida ngủ trên ghế sofa, các con ở chung một phòng ngủ, không có giường, chỉ có đệm và chăn. Họ nhận tiền quyên góp hàng tuần từ các tổ chức từ thiện và “không ai trong nhà được phép ốm vì tài chính của họ quá eo hẹp”.
Chính vì vậy, kể từ khi giành được độc lập, Singapore vẫn coi xóa đói giảm nghèo là vấn đề quan trọng nằm trong chương trình nghị sự và luôn nỗ lực để cải thiện tình hình. Vào ngày 2/3/2022, ông Leon Perera- một Nghị sĩ thuộc khu vực Aljunied (Aljunied GRC) đệ trình Quốc hội một số biện pháp nhằm xóa đói giảm nghèo trong tình hình mới; theo đó, đề xuất tăng khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng thực sự cần; khuyến nghị tăng cường cứu trợ tài chính dựa trên đối tượng thụ hưởng để đảm bảo trẻ em nghèo được đến trường.
Bên cạnh việc lập pháp, Chính phủ Singapore cũng thực hiện các biện pháp chống đói nghèo, với việc thông qua 3 trọng tâm chính sách: Giáo dục; Việc làm và Tài chính hộ gia đình. Trong đó, chính sách giáo dục ưu tiên chính cho hộ gia đình có thu nhập thấp, để tăng khả năng được đi học của trẻ em thuộc hộ gia đình loại này. Còn chính sách việc làm sẽ tập trung cho NLĐ trẻ để củng cố nguồn lao động tương lai cho đất nước. Như vậy, trong khi đa phần người dân Singapore được hưởng điều kiện sống tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, thì vẫn có những trường hợp “bị bỏ lại phía sau”. Nhưng Singapore, với quyết tâm và nỗ lực, đang giải quyết vấn đề nghèo đói và tạo ra sự thay đổi một cách tích cực.
Tùng Anh (Theo The Straits Times)