Ông T.V.B (65 tuổi, trú tỉnh Cà Mau) được cơ sở y tế địa phương chuyển đến BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ do nghi ngờ đột quỵ cấp. Song, ông B. lại mắc bệnh lý khác, dù bệnh cảnh y hệt như đột quỵ.
Trước đó, ông B. phát hiện bản thân có dấu hiệu tê bì tay chân, nên đến nhà thuốc tây mua thuốc. Tuy nhiên, uống thuốc vài ngày không khỏi mà tình trạng lại ngày càng nặng hơn, nên ông B. bèn tìm đến cơ sở y tế địa phương.
Phẫu thuật nội soi xử trí phần đĩa đệm vỡ gây chèn ép thần kinh
Lúc này, tình trạng của ông B. không khác gì đột quỵ khi dần yếu liệt nửa người phải. Chính vì vậy, để tận dụng thời gian vàng trong điều trị đột quỵ (tốt nhất là 3 giờ kể từ khi khởi phát), phía y tế địa phương gấp rút chuyển ông B. đến BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ- “địa chỉ đỏ” xử trí đột quỵ tại khu vực Tây Nam Bộ.
Lúc nhập BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, ông B. đã thực sự lâm cảnh liệt nửa người bên phải. Các bác sĩ nơi đây đã nhanh chóng chỉ định chụp MRI não, song kết quả không ghi nhận bất kỳ tổn thương nào. Vì vậy, các bác sĩ nghi vấn nguyên nhân có thể đến từ cột sống.
Sau chỉ định chụp MRI cột sống cổ, kết quả cho thấy, ông B. bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ lệch bên phải, gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh. Đây là nguyên nhân chính khiến ông B. bị liệt nửa người bên phải. Do vậy, các chuyên gia tiến hành phẫu thuật nội soi cột sống để giải áp cho vị trí chèn ép.
“Đây là phương pháp ít xâm lấn nhất hiện nay, với vị trí vết mổ chỉ khoảng 0,8mm, bác sĩ sẽ lấy hết các phần đĩa đệm vỡ gây chèn ép thần kinh, giúp bệnh nhân phục hồi lại chức năng vốn có”- BS.Nguyễn Quang Hưng- Trưởng Đơn vị Phẫu thuật thần kinh (BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ) phân tích.
Vết tích phẫu thuật nội soi chỉ bằng đầu đũa
Sau phẫu 24 giờ, các chức năng nửa người bên phải của ông B. đã hồi phục gần như hoàn toàn. Các hoạt động ở tay phải (cầm nắm), chân phải (bước đi) đều hồi phục như trước khi xảy ra biến cố. “Sau mổ, bệnh nhân B. cần tập thêm vật lý trị liệu để sớm trở về cuộc sống bình thường”- BS.Hưng cho biết thêm.
Cũng theo chuyên gia, đối với phương pháp phẫu thuật nội soi cột sống, bệnh nhân có thể xuất viện sau mổ 24 giờ. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đều muốn được bác sĩ theo dõi tại BV, hỗ trợ tập vật lý trị liệu đến khi bình phục hoàn toàn. Được biết, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe ông B. phục hồi tốt nên đã được xuất viện.
Giải thích thêm về tình huống của ông B, BS.Hưng nói rằng, các trường hợp giả đột quỵ tương đối khó phân biệt, vì bệnh cảnh, triệu chứng không mấy khác biệt. “Đây không phải là trường hợp đầu tiên BV tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu yếu liệt nửa người, nhưng thực sự không bị đột quỵ”- BS.Hưng chia sẻ thêm.
Chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo, bệnh thoái hóa đốt sống cổ đang có xu hướng gia tăng theo độ tuổi, lối sống và điều kiện làm việc. Song, may mắn là, hệ thống chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán cũng phát triển, nên bệnh lý này thường được phát hiện nhiều hơn, sớm hơn so với trước đây; đồng thời phương pháp, kỹ thuật điều trị cũng tân tiến hơn rất nhiều.
Thanh Giang