Ngày 7/7, ThS.BS.Phạm Hòa Anh, khoa Ngoại BVĐK Thiện Hạnh (TP. Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) cho hay, các bác sĩ nơi đây đã phẫu thuật nối lại bàn chân gần đứt lìa của ông N.V.H (58 tuổi, trú tại huyện Krông Ana), người bị tai nạn trong lúc cắt cỏ bằng máy.
Trước đó, trưa hôm 6/7, ông H. nhập BV Thiện Hạnh trong tình trạng cổ chân gần đứt lìa, mất máu nhiều và rất đau đớn. Đáng nói là vết thương khá bẩn vì trong lúc cắt cỏ bằng máy, ông H. sơ ý bị lưỡi dao cắt ngang cổ chân.
Sau khi sơ cứu ban đầu và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, ông H. được chẩn đoán cổ chân phải gần đứt lìa, gãy hở hai xương cẳng chân phải, đứt hoàn toàn bó mạch thần kinh chày trước và một số gân. “Trước tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân H. được phẫu thuật cấp cứu nhằm kịp thời nối lại bàn chân, khôi phục chức năng vận động...”- BS.Hòa Anh thông tin thêm.
Ê kíp phẫu thuật do ThS.BS.Nguyễn Đức Trí đảm nhiệm vai trò tay kéo chính, cùng các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức đã cắt lọc vết thương, kết hợp các xương gãy bằng đinh Kirschner và khung cố định ngoài. “Chúng tôi khâu mạch máu thần kinh, khâu gân, khâu vết thương để nối lại bàn chân cho bệnh nhân. Qua 90 phút, ê kíp phẫu thuật đã thực hiện thành công ca mổ, nối liền bàn chân của bệnh nhân H.”- BS.Trí cho biết.
Sau phẫu, sức khỏe bệnh nhân H. ổn định, các chỉ số bình thường, đầu chân ấm hồng và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại BV. Theo BS.Trí, do vết thương khá bẩn vì lưỡi máy cắt cỏ, việc theo dõi và đánh giá sát sao nguy cơ nhiễm trùng vết thương là hết sức cần thiết.
Theo BS.Hòa Anh, ở Đắk Lắk, hầu như gia đình nào có rẫy cũng trang bị và sử dụng mắy cắt cỏ. Ngoài ra, nhiều lao động cũng mua máy cắt cỏ để mưu sinh bằng nghề dọn vườn thuê. “Người dân sử dụng máy cắt cỏ, cả lao động dọn vườn thuê bằng máy cắt cỏ ở Đắk Lắk ít khi trang bị bảo hộ lao động. Điều này rất nguy hiểm khi rủi ro xảy ra tai nạn lao động, với những hệ lụy khó lường...”- chuyên gia cảnh báo.
Thanh Giang