Ngày 9/7, tại Cần Thơ, Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Tiếp cận mới trong xử trí lâm sàng bệnh lý đường tiêu hóa". Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã báo cáo về những kiến thức mới, cập nhật kết quả nghiên cứu lâm sàng trong điều trị bệnh lý đường tiêu hóa.
Hội thảo thu hút hơn 200 bác sĩ đang hành nghề trong lĩnh vực tiêu hóa trong mạng lưới y tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có khoảng 1/10 là các bác sĩ tiêu hóa đến từ TP.HCM. Tại Hội thảo, 3 báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêu hóa, vi sinh lâm sàng, nghiên cứu miễn dịch đã cập nhật nhiều kiến thức, cách tiếp cận mới trong điều trị bệnh lý đường tiêu hóa.
TS-BS. Phạm Hùng Vân- Chủ tịch Liên Chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM
Mở đầu Hội thảo, TS-BS.Phạm Hùng Vân- Chủ tịch Liên Chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM đã vào đề với bài báo cáo "Prebiotics, Probiotics, Postbiotics- Tổng quan về phân loại và cơ chế tác động". Theo BS.Vân, đường ruột mỗi người (dài 8-12m) đều có hệ vi khuẩn chí đường ruột. Ở mỗi mm ruột non có từ 104 đến 105 vi khuẩn, còn trên mỗi gr ruột già có đến 1011 vi khuẩn. Hệ vi khuẩn chí đường ruột có 4 vai trò chính yếu (hàng rào, bảo vệ, biến dưỡng và miễn dịch).
Theo chuyên gia, hệ vi khuẩn chí đường ruột tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, loạn khuẩn đường ruột gây nhiều bệnh lý đường tiêu hóa. “Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng giảm lợi khuẩn, tăng vi khuẩn có hại trong hệ vi khuẩn chí, hoặc là giảm toàn bộ số lượng của hệ vi khuẩn”- BS.Vân giải thích. Cụ thể, loạn khuẩn đường ruột gây nhiều hậu quả, không chỉ các bệnh lý đường tiêu hóa, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh thông qua trục não-ruột.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Chủ tịch Liên Chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM còn nói rằng: Prebiotics, Probiotics, Postbiotics là “trợ thủ đắc lực” trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Prebiotics là thành phần thực phẩm chứa Polysaccharide không phải tinh bột và Oligosaccaharide. Prebiotics sẽ kích hoạt tăng sinh lợi khuẩn và ức chế vi khuẩn có hại trong hệ vi khuẩn chí đường ruột...
Còn Probiotics chính là những vi sinh vật sống có lợi cho đường tiêu hóa (khi dùng qua đường uống với đủ số lượng và đúng chủng loại đã nghiên cứu). Theo BS.Vân, vi khuẩn và cả nấm qua nghiên cứu đánh giá là Probiotics gồm nhiều chi, mỗi chi có nhiều loài như: Lactobacillus, Bifidobacterium, Streptococcus, Bacillus, Enterobacter, Saccharomyces... Chế phẩm mà nhiều người bị rối loạn tiêu hóa hay dùng dưới tên gọi “men tiêu hóa”, “men vi sinh” chính là Probiotics.
BS.Vân cũng giới thiệu tại Hội thảo về Psychobiotics- cũng là vi khuẩn sống và có khả năng sản sinh các chất có lợi cho thần kinh. Do đó, khi được uống vào với một lượng đủ thì sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần, khi Psychobiotics tác động lên trục não-ruột. Còn Postbiotics thì được điều chế công phu hơn khi giết chết 100% các Probiotics bằng nhiệt, nhưng đảm bảo giữ lại đầy đủ các thành phần như chất chuyển hóa, protein chức năng, thành phần tế bào... Postbiotics có tác dụng tương tự Probiotics, song an toàn hơn vì chỉ là xác vi khuẩn. Postbiotics đặc biệt có lợi cho bệnh nhân nặng hoặc đang mắc suy giảm miễn dịch. Với những bệnh nhân này, nếu dùng Probiotics đôi khi lại tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.
PGS-BS.Quách Trọng Đức- chuyên gia đầu ngành về nội khoa và tiêu hóa chia sẻ tại Hội thảo
“Trầm cảm, lo âu và vai trò của Probiotics ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng” là nội dung báo cáo tiếp theo tại Hội thảo của PGS-BS.Quách Trọng Đức (ĐH Y dược TP.HCM). BS.Đức- người đồng thời là Phó Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, một trong những chuyên gia đầu ngành về nội khoa và lĩnh vực tiêu hóa. Trong phần trình bày của mình, BS.Đức đã cập nhật các kết quả nghiên cứu lâm sàng gần đây nhất, trên thế giới lẫn trong nước, về tần suất và mức độ nặng của trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng.
Chuyên gia cũng đề cập sâu đến trục não-ruột và vai trò của vi khuẩn chí đường ruột. Trục não-ruột là thuật ngữ mô tả mối liên kết không thể tách rời và tác động qua lại giữa não và ruột. Theo BS.Đức, trục não-ruột thực sự phức tạp đối với hoạt động nghiên cứu, nhưng rất vi diệu đối sự sống con người. Não và ruột liên tục “đối thoại” với nhau thông qua những cơ chế phức tạp và tinh vi. Vì vậy, người trầm cảm, lo âu thường bị mắc hoặc tăng nặng về các bệnh lý đường tiêu hóa. Ngược lại, người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa cũng thường gặp vấn đề với trầm cảm, lo âu.
Chuyên gia cũng đề cập trong nội dung báo cáo của mình về ứng dụng Probiotics trong điều trị trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng, với các chứng cứ mới nhất tính đến năm 2022. Theo chuyên gia, rối loạn tiêu hóa chức năng là thuật ngữ khá mới, mà trước đây thường được mô tả là “viêm dạ dày”. Probiotics sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột và trực tiếp hóa giải vấn đề rối loạn tiêu hóa chức năng. Thông qua cơ chế “đối thoại” của trục não-ruột, theo cách dễ hình dung nhất, phía não sẽ được phía ruột "an ủi, vỗ về, thông báo" rằng ruột đã ổn, não cứ yên tâm. Quả nhiên, người xưa nói sống vui là sống khỏe hoàn toàn có lý.
TSKH.Nguyễn Văn Sa- Giám đốc Viện Nghiên cứu miễn dịch Gifu (Nhật Bản)
Báo cáo viên thứ 3 là nhân vật khá đặc biệt- TSKH.Nguyễn Văn Sa- chuyên gia đến từ Nhật Bản. Năm 2000, TS.Sa nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Miễn dịch-Vi khuẩn học phân tử của Đại học Gifu (Nhật Bản) sau 4 năm học tại đây. Từ đó, ông trở thành chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu miễn dịch Gifu (IRIG). Từ năm 2004, ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc bộ phận nghiên cứu và sản xuất kháng thể GHEN Japan. Từ năm 2009 tới nay, TS.Sa là Giám đốc IRIG tại Nhật Bản, với lĩnh vực nghiên cứu chính là Miễn dịch-Vi khuẩn học phân tử và kháng thể IgY.
Tại Hội thảo, TS.Sa chọn nội dung “Probiotics/Postbiotics trong điều trị bệnh do Helicobacter pylori (HP)” để cập nhật đến các bác sĩ tiêu hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Mở đầu, TS.Sa đề cập đến 3 thách thức trong điều trị bệnh do khuẩn HP. Theo đó, khi điều trị tiệt trừ HP, người bệnh thường bị triệu chứng dai dẳng, sau đó do tăng tiết a-xít hồi ứng vì ngưng PPI (thuốc ức chế bơm Proton); lại bị thêm loạn khuẩn đường ruột do tác động của thuốc kháng sinh và PPI; sau nữa là tình trạng khuẩn HP đề kháng kháng sinh (vấn đề nhiều nước Châu Á gặp phải, trong đó có Việt Nam).
TS.Sa đã giới thiệu về Lactobacillus Johnsonii 1088, một Probiotics được phân lập từ dạ dày người Nhật khỏe mạnh. Probiotics này có khả năng ức chế tiết a-xít thông qua trung gian Gastrin (một loại hooc-mon); ức chế hoạt động của khuẩn HP và cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột.
Từ Probiotics Lactobacillus Johnsonii 1088, các nhà khoa học của IRIG, trong đó có TS.Sa, đã tạo ra Postbiotics LJ1088. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, Postbiotics LJ1088 cùng với kháng thể IgY và kháng sinh đã hiệp sức diệt gọn khuẩn HP. Các thử nghiệm lâm sàng tại các nước, trong đó có Việt Nam, cho thấy ngoài tiệt trừ khuẩn HP, sự phối hợp giữa Postbiotics LJ1088 cùng với kháng thể IgY và kháng sinh còn hóa giải trọn vẹn 3 thách thức trong điều trị HP như trên đã nêu. Được biết, những năm qua, phía Nhật Bản đã thương mại hóa kết quả nghiên cứu này và thành phẩm cũng đã có mặt tại Việt Nam.
BSCK2.Trần Kiều Miên- Chủ tịch Liên Chi hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM chủ trì Hội thảo
Hội thảo khoa học cũng dành nhiều thời gian để thảo luận chuyên môn với 3 báo cáo viên và người chủ trì Hội thảo, đó là BSCK2.Trần Kiều Miên- Phó Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội khoa học Tiêu hóa TP.HCM. Theo BS.Kiều Miên, Hội thảo khoa học lần này là cơ hội để các bác sĩ lĩnh vực tiêu hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như TP.HCM tiếp cận kiến thức mới, cập nhật các kết quả nghiên cứu lâm sàng liên quan... Điều này hết sức cần thiết và hữu ích với các bác sĩ trong điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa.
Ngoài ra, cũng nhân dịp này, BS.Trần Kiều Miên cũng ngỏ lời cảm ơn Đông Đô Pharma đã đồng hành tổ chức Hội thảo khoa học. Ngay sau Hội thảo, các bác sĩ tham dự sẽ được cấp chứng chỉ CME theo quy định.
Thanh Giang