BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 3885/BHXH-TST gửi Bộ LĐ-TB&XH về trả lời kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ mệnh giá thẻ BHYT cho HSSV, hộ có mức sống trung bình; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, kịp thời xử lý vướng mắc và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhất là có phương án xử lý nợ BHXH, BHYT tồn đọng kéo dài của các DN không còn hoạt động, phá sản, giải thể hoặc chủ bỏ trốn, mất tích; đồng thời rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản có liên quan đến việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHYT.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Về nâng mức hỗ trợ mệnh giá thẻ BHYT HSSV, hộ có mức sống trung bình
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, thì NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với đối tượng HSSV. Để hỗ trợ, khuyến khích các đối tượng (trong đó có HSSV) tham gia BHYT, tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 35 của Luật BHYT (nếu có) xây dựng và trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều này”. Như vậy, ngoài mức hỗ trợ từ NSNN, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể hỗ trợ thêm cho HSSV tham gia BHYT từ các nguồn hợp pháp khác.
Về phương án xử lý tiền nợ BHXH, BHYT tồn đọng kéo dài
Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định về tăng tính tuân thủ pháp luật BHXH, giảm tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH của chủ SDLĐ. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, mất tích mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các đơn vị này.
Khoản 3, Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP cũng chỉ mới giải quyết được quyền lợi cho NLĐ trong các đơn vị nợ đóng BHXH vẫn đang còn hoạt động. Đối với các đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn, mất tích mà đang nợ tiền đóng BHXH thì chưa có quy định về việc giải quyết quyền lợi đối với NLĐ. Để giải quyết kịp thời quyền lợi cho NLĐ, thân nhân NLĐ trong điều kiện đời sống đang gặp khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh, đồng thời đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, căn cứ nguyên tắc đóng-hưởng đã được quy định tại Luật BHXH năm 2014, BHXH Việt Nam đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 1936/BHXH-CSXH ngày 5/7/2021.
BHXH Việt Nam thống nhất với ý kiến của cử tri Đồng Tháp kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để giải quyết vấn đề nợ BHXH tại các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích còn nợ BHXH làm căn cứ giải quyết quyền lợi của NLĐ.
Về nội dung khởi kiện đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14 Luật BHXH năm 2014, thì tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ hoặc tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn. Tuy nhiên, đến nay chưa khởi kiện được vụ việc nào. Nguyên nhân là do tổ chức Công đoàn tại DN không dám khởi kiện chủ DN, còn tổ chức Công đoàn cấp trên muốn khởi kiện được phải có ủy quyền của NLĐ, đại diện tập thể NLĐ dẫn đến chưa thực hiện được nội dung này theo quy định của luật.
Để đảm bảo quyền lợi về BHXH cho NLĐ, BHXH Việt Nam kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung pháp luật về BHXH. Trong đó, quy định về quản lý nợ (khoanh nợ, xóa tiền lãi chậm đóng, đóng bù tiền nợ đóng BHXH…). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trong đó quy định trình tự, hồ sơ, thủ tục, thời gian và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với nội dung Công đoàn khởi kiện đơn vị, DN trốn đóng BHXH, BHYT ra Tòa án.
Nguyệt Hà