Mới đây, Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) đã công bố một bản báo cáo mới, đưa ra các số liệu thống kê về các hiệp định an sinh xã hội trên toàn cầu.
Cụ thể, số liệu thống kê của ISSA cho thấy, hiện có khoảng 645 hiệp định song phương về an sinh xã hội có hiệu lực trên toàn cầu. Các quốc gia khu vực châu Âu đang tham gia nhiều hiệp định về an sinh xã hội nhất, trong khi số lượng hiệp định tại các khu vực khác cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Về hiệp định an sinh xã hội đa phương, theo ISSA, trên toàn cầu hiện có khoảng 10 hiệp định ở các khu vực khác nhau.
Việc gia tăng các thỏa thuận, hiệp định song phương cũng như đa phương về an sinh xã hội là một xu thế mang tính tất yếu khi lực lượng lao động di cư giữa các quốc gia ngày càng phổ biến hơn.
Ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 272 triệu người di cư trên toàn cầu. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi) là khoảng 245 triệu người. ILO cũng ước tính, tổng số lao động di cư chiếm khoảng 4,9% lực lượng lao động toàn cầu và bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 3%.
Theo ISSA, lao động di cư từ nước này sang nước khác, từ khu vực này sang khu vực khác, góp phần giải quyết sự khan hiếm lao động có tay nghề, kỹ thuật cao cho các nền kinh tế. Trong đó 72% NLĐ di cư có độ tuổi từ 20 đến 64 tuổi. Trong 10 năm qua, 70% lao động tăng lên ở Châu Âu đến từ nguồn lao động di cư. Tuy nhiên mới chỉ 20 % NLĐ di cư được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi về ASXH.
Hiện nay trên thế giớiphổ biến hai loại hiệp định ASXH bao gồm hiệp định tránh đóng hai lần và hiệp định toàn phần. Nội dung chính của hiệp định tránh đóng hai lần là tránh cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không phải đóng các chế độ ASXH ở cả 2 nước và bảo đảm sự tham gia liên tục của NLĐ tham gia trong hệ thống ASXH. Trong khi đó hiệp định toàn phần ngoài nội dung tránh đóng 2 lần còn bao gồm các điều khoản về tính gộp thời gian đóng ở cả hai nước làm căn cứ xét hưởng chế độ ASXH, chi trả chế độ ASXH ở nước ngoài…
Để đạt được cả thỏa thuận song phương việc trao đổi, liên thông dữ liệu giữa hệ thống ASXH các quốc gia là yêu cầu bắt buộc. Nhưng đây cũng là một thách thức rất lớn. Khó khăn chính là việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về thông tin dữ liệu giữa các quốc gia và có sự khác biệt trong việc khai thác, sử dụng để tính toán quyền lợi hưởng các chế độ sau này.
Để giải quyết vấn đề này, ISSA cũng đang nghiên cứu xây dựng một bộ tiêu chuẩn chung về dữ liệu, tạo sự thống nhất cho việc trao đổi, liên thông, qua đó thuận lợi hơn cho quá trình thỏa thuận giữa các quốc gia.
Tại Việt Nam, tháng 12/2021, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã chính thức ký kết Hiệp định song phương về BHXH. Đây là sự kiện cho thấy một bước tiến mới trong hội nhập quốc tế của đất nước nói chung và hội nhập về BHXH nói riêng; mở ra một giai đoạn phát triển mới, đi vào sự hợp tác chiều sâu giữa 2 quốc gia và hơn ai hết, những NLĐ sẽ được thụ hưởng các thành quả về kinh tế và ASXH.
Minh Đức