Hai tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu gồm “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” sẽ khoác lên mình một diện mạo mới qua bản in do NXB Văn học phát hành.
Dự kiến, ấn bản mới của 2 tiểu thuyết kinh điển này sẽ ra mắt trong tháng 6. Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng” được họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa, họa sĩ Linh Giang minh họa. Hai họa sĩ nổi tiếng mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho những tác phẩm văn học đã đi vào lòng người bao năm qua.
Ông Nguyễn Anh Vũ- Giám đốc NXB Văn học cho biết: “Tác phẩm của nhà văn Lê Lựu là những trang viết tiêu biểu, đặc biệt "Thời xa vắng" đánh dấu phong cách viết mới mẻ, ra đời đúng năm 1986, khi đất nước bước sang một trang mới. Nhà văn đã có cách nhìn mới trong việc tiếp cận đề tài”.
“Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” là những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Lê Lựu- người thợ cày khỏe mạnh trên cánh đồng ruộng chữ nghĩa. Tuy vậy, chúng lại ít xuất hiện ở các nhà sách. Qua lần tái bản này, NXB Văn học muốn giới thiệu một lần nữa thời kỳ ghi dấu của nền văn học Việt Nam dưới hình thức có ảnh minh họa, giúp độc giả trẻ dễ tiếp cận tác phẩm hơn.
Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” được nhà văn Lê Lựu sáng tác năm 1994, kể về chuỗi vấp ngã liên tiếp của cuộc đời chàng trai tên Núi. Cậu là con của một người vợ lẽ, vốn là người ở trong một gia đình tư sản thời cũ. Từ nhỏ, anh em Núi và mẹ cậu không được bố chấp nhận. Ông luôn tìm cách để tống khứ 4 người ra khỏi nhà. Khi chiến tranh nổ ra, lợi dụng việc di tản của thành phố, ông gửi 3 anh em về bên ngoại. Cậu học ở quê ngoại và được đi thi học sinh giỏi. Cậu có một mối tình đầu với một cô gái tên Hiền. Sau một biến cố, cô bỏ đi nơi khác. Mẹ Núi mất, bố bỏ rơi, 3 anh em hết kế sinh nhai, Núi trở thành kẻ cắp, nhiều lần vào tù ra tội, sống kiếp giang hồ.
Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa.
Giống như “Sóng ở đáy sông”, tiểu thuyết “Thời xa vắng” cũng diễn ra trong bối cảnh chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm- ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ.
Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ- xã hội thực dân nửa phong kiến.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” được xem là tác phẩm thành công nhất của Lê Lựu. Truyện xoay quanh nhân vật tên Giang Minh Sài. Khi đất nước còn chiến tranh, anh bị gia đình ép lấy một cô vợ hơn mình 3 tuổi tên là Tuyết. Tuy ngoài mặt đồng ý, nhưng bên trong, Sài không chấp nhận vợ. Bước ngoặt bắt đầu khi Sài gặp tình yêu của đời mình- Hương. Vì cô, Sài trốn vào chiến trường miền Nam để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt trong gia đình.
Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ, nên càng để ý tới nề nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì, và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới hơn.
Năm 2000, “Sóng ở đáy sông” được chuyển thể thành phim truyền hình, và 3 năm sau, “Thời xa vắng” cũng được đón nhận rộng rãi khi chuyển thể thành phim nhựa.
Anh Minh
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn "Người cầm súng" (1970), tiểu thuyết "Mở rừng" (1976); tiểu thuyết "Thời xa vắng" (1986), "Chuyện làng Cuội" (1991), "Sóng ở đáy sông" (1994)... Ông từng đoạt giải Nhì Báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn "Người cầm súng", giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết "Thời xa vắng"...