Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn số 3068/LĐTBXH-VP trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Văn Thân và Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình liên quan đến điều chỉnh tiền lương cho CBCC, NLĐ.
Trước chất vấn của ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC và NLĐ trong DN đã nêu rõ: “Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Trong khu vực DN, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa NLĐ và người SDLĐ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Trên thực tế hiện nay, tiền lương, thu nhập của CBCCVC và NLĐ còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH rất đồng tình với đề xuất của ĐBQH sớm điều chỉnh, cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW cho CBCCVC và NLĐ.
Đối với CBCCVC, ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP điều chỉnh mức lương cơ sở đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7/2023 (tăng 20,8%). Trong thời gian tới, với vai trò là thành viên BCĐ Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi NCC, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đề xuất BCĐ báo cáo Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đối với NLĐ trong các DN, ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, nền kinh tế chuyển sang trạng thái bình thường mới (khoảng đầu năm 2022), để cải thiện đời sống cho NLĐ sau giai đoạn bị tác động của đại dịch, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất, khuyến nghị để Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1/7/2022 tăng bình quân 6% (vùng I là 4.680.000 đồng, vùng II là 4.160.000 đồng, vùng III là 3.640.000 đồng, vùng IV là 3.250.000 đồng). Việc điều chỉnh lương tối thiểu đã góp phần nâng cao tiền lương, thu nhập của NLĐ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN, từ đó bảo đảm được việc làm cho NLĐ.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương nắm tình hình cung-cầu lao động, việc làm, đời sống của NLĐ, nhất là những lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm do DN bị cắt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phân tích, đánh giá tình hình thị trường lao động, sản xuất kinh doanh của DN, trong đó chú ý đến DN phải thu hẹp sản xuất do bị cắt giảm đơn hàng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tế, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền về việc cải cách chính sách tiền lương trong khu vực DN, đồng thời điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với NLĐ để khuyến nghị Chính phủ trong thời gian tới.
Vũ Thu