Costa Rica là một quốc gia Mỹ Latinh nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp, cafe ngon và thời tiết ôn hòa. Quốc gia này có dân số già và dẫn đầu thế giới về chăm sóc người cao tuổi. Năm 2020, 9% người Costa Rica trên 60 tuổi. Dự đoán con số này có thể tăng lên hơn 20% vào năm 2050, biến Costa Rica thành một quốc gia có dân số siêu già.
Sau cuộc nội chiến năm 1948, Chính phủ Costa Rica đưa ra một quyết định táo bạo là bắt tay vào thiết lập một chương trình phúc lợi xã hội bao trùm và toàn diện. Nhờ vậy, đến nay, ước tính 96% dân số được chăm sóc sức khỏe, bao gồm gần như tất cả người cao tuổi. Và Costa Rica trở thành một trong số ít các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có số người từ 65 tuổi trở lên ít có khả năng phải đối mặt với nghèo đói; đồng thời, là một trong những quốc gia có tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi có độ chênh lệch giới nhỏ nhất trong OECD.
Hiện người cao tuổi ở Costa Rica nhận được hỗ trợ từ 3 nguồn chính: Gia đình, các tổ chức phi lợi nhuận và Chính phủ. Các hệ thống này tạo thành một mạng lưới an toàn giúp cho việc chăm sóc người cao tuổi trở nên hiệu quả. Trong đó, gia đình của người cao tuổi là nơi chăm sóc chính cho họ, 85% người trên 65 tuổi ở Costa Rica đang sống với 2 người thân trở lên (số liệu năm 2017). Tuy nhiên, Hiệp hội Người về hưu Mỹ (The American Association of Retired Persons) thông tin, tỷ lệ người cao tuổi Costa Rica sống một mình có xu hướng tăng 36%, từ năm 2011 đến năm 2017. Điều này cho thấy, cần phải mở rộng độ bao phủ hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận để duy trì cuộc sống ổn định cho đối tượng người cao tuổi.
Trong những năm gần đây, nhiều nỗ lực của Chính phủ Costa Rica, các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ đối tượng người cao tuổi đã được ghi nhận. Chẳng hạn Quỹ Yamuni Tabush được thành lập vào năm 2013, là đối tác của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận dịch vụ y tế cho người cao tuổi trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Quỹ tổ chức hoạt động đào tạo nhân viên y tế cộng đồng ở những khu vực có nguy cơ cao; nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão, nhà ở công cộng… nhằm hỗ trợ, chăm sóc kịp thời cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, từ năm 1999, Chính phủ Costa Rica đã thông qua Bộ luật Dành cho người cao tuổi, hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ đối với nhóm dễ bị tổn thương này, Costa Rica phê chuẩn Công ước Liên châu Mỹ về Bảo vệ Nhân quyền của Người cao tuổi vào năm 2016. Năm 2020, Costa Rica hình sự hóa hành vi bỏ rơi người cao tuổi với lý do vi phạm nhân quyền. Thể hiện cam kết đối với người cao tuổi, năm 2015, Chính phủ Costa Rica tăng tài trợ cho Hội đồng Quốc gia dành cho người cao tuổi (CONAPAM) và mạng lưới chăm sóc liên quan Red Cuido.
Cụ thể, CONAPAM hợp tác với viện dưỡng lão/nhà ở công cộng, trung tâm chăm sóc người cao tuổi và nhà thờ để hỗ trợ người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương hoặc diện nghèo. Chương trình này của Chính phủ bao phủ hơn 15.000 người cao tuổi mỗi năm và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Quốc gia về bệnh Alzheimer đầu tiên của Costa Rica, tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sa sút trí tuệ, đang chiếm khoảng 10,7 trên 1.000 người Costa Rica.
Nhìn chung, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi Costa Rica chưa thực sự đồng đều. Chỉ có 22% người cao tuổi tìm được việc làm, trong đó 70% làm việc trong khu vực phi chính thức; 43% người cao tuổi cho biết đã từng trải qua các cuộc đụng độ bạo lực và gần 10% phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì tuổi tác. Tuy nhiên, người cao tuổi Costa Rica đa phần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của gia đình, Chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận. Trong nhiều thập kỷ, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Costa Rica dẫn đầu cả Mỹ Latinh và thế giới trong việc bảo vệ quyền và phẩm giá của người lớn tuổi.
Tùng Anh (Theo CONAPAM)