Chiều 18/10, Đoàn ĐBQH và LĐLĐ TP.HCM tổ chức tiếp xúc cử tri CNLĐ và chủ DN góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Tại chương trình, một số ý kiến bày tỏ lo ngại trước vấn đề lương hưu thấp. Trao đổi với CNLĐ và đại diện các DN tham dự, bà Trần Thị Diệu Thúy- Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nhấn mạnh, BHXH hoạt động theo nguyên tắc đóng-hưởng; do đó khi còn trẻ cần phải lao động, tích lũy quá trình tham gia bằng việc thực hiện đóng BHXH đầy đủ, chứ không thể đóng thấp hưởng cao, đóng ngắn hưởng dài.
Về vấn đề mức lương làm căn cứ đóng BHXH, bà Diệu Thúy đề nghị, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn phải tăng cường tuyên truyền, đấu tranh để mức đóng của NLĐ trong đơn vị mình cao hơn, nhất là cần phải đóng theo thu nhập thực lãnh hoặc gần tương đương.
Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cũng đề xuất, Luật BHXH cần tăng tính hấp dẫn để NLĐ thấy quyền lợi của họ được đảm bảo. Có như vậy, họ mới không rời bỏ hệ thống BHXH cho đến khi lĩnh lương hưu. Cụ thể, Luật BHXH nên có cơ chế khích lệ để tạo sức hấp dẫn cho người tham gia BHXH suốt quá trình lao động mà không rút BHXH một lần nào.
Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết- Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nhận định, hiện có nhiều DN và NLĐ thỏa thuận đóng BHXH thấp để NLĐ bị trích trừ lương đóng BHXH ít, còn phía DN cũng được lợi. Tuy nhiên, hệ quả là thiệt hại về sau này, vì lương hưu sẽ theo nguyên tắc đóng-hưởng, đóng ít mà muốn hưởng lương hưu cao là điều không thể.
Bà Bạch Tuyết cho biết thêm, bản thân bà từng đi giám sát tại DN, nghe nhiều công nhân nói chỉ đóng BHXH trên mức lương tối thiểu vùng (khoảng 5 triệu đồng), trong khi lương thực lãnh bình quân 9-10 triệu (không tính tăng ca). "Đóng chỉ bằng một nửa thực lãnh đương nhiên sau này lương hưu sẽ ít. Nhiều DN còn nói là làm theo đề nghị của NLĐ, thông qua Công đoàn luôn?..."- bà Bạch Tuyết chia sẻ.
Do đó, theo bà Bạch Tuyết, tổ chức Công đoàn khi tham gia xây dựng thang bảng lương cần đưa các khoản có tính chất lương vào làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời phải thuyết phục công nhân đồng thuận, tránh việc DN lập nhiều bảng lương khác nhau để né tránh đóng BHXH. " Cần giám sát chặt việc này, vì đó là cơ sở để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho NLĐ”- đại diện Đoàn ĐBQH TP.HCM yêu cầu.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Trần Anh Kiệt- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hitachi Zosen Việt Nam cho rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến lương thực tế để làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. "Nhiều DN hiện có 2, 3 bảng lương, đóng BHXH rất thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi sau này của NLĐ. Kẽ hở chính là phụ cấp, DN có thể “lách” ở chỗ này. Nhiều NLĐ bày tỏ muốn đóng BHXH cao, nhưng thực tế được đóng rất thấp. Đây cũng là nguyên do dẫn đến lương hưu thấp và là nhân tố khiến NLĐ đắn đo, rút BHXH một lần…"- ông Kiệt chia sẻ.
Phạm Thọ