Cách đây 46 năm, vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), có một ca khúc được ra đời “trong ngày vui đại thắng” của toàn dân tộc. Cho đến nay, ca khúc ấy vẫn tiếp tục vang lên, mỗi khi diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước.
Khúc hoan ca ngày đại thắng
Phải mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được nhạc sĩ Phạm Tuyên- tác giả bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” (còn được gọi bằng cái tên phổ biến hơn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng). Nghe giọng nói qua điện thoại, chúng tôi hình dung người nhạc sĩ 91 tuổi đã khá yếu, nhất là khi ông nói mới bị cảm vài hôm trước. Cuộc gọi lần thứ 2, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”, như có một niềm hứng khởi, nhạc sĩ đồng ý gặp ngay dù biết sức khỏe mình chưa thật tốt.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bên tập bản thảo có ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng
Tiếp chúng tôi trong căn hộ tập thể cũ ở phố Vạn Bảo (Hà Nội), người nhạc sĩ già đã chuẩn bị sẵn tập nhạc của mình với những trang giấy nhuốm màu thời gian. Lần giở từng trang rồi dừng giữa tập, bản nhạc “Như có Bác trong ngày đại thắng” hiện lên trước mắt chúng tôi với những nét chữ viết tay. Đôi mắt người nhạc sĩ như sáng lên với sự xúc động, rồi ông chậm rãi kể lại quá trình sáng tác bài hát có tuổi đời gần nửa thế kỷ.
Chuyện là trước kia, mỗi lần kết thúc một buổi mít tinh, Bác Hồ thường bắt nhịp để tất cả cùng hát bài “Kết đoàn”. Bài hát này hay, nhưng cũng chỉ là một sáng tác từ một nhạc sĩ của Trung Quốc. Khi đó, cấp trên đã có định hướng tới các nhạc sĩ cần một sáng tác mới để phản ánh tinh thần của riêng cách mạng Việt Nam, nhất là mang tính thời sự của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi vào hồi quyết liệt. Rất nhiều sáng tác ra đời, nhưng có vẻ đều chưa đạt yêu cầu. Nhạc sĩ Phạm Tuyên- khi đó là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng bị thôi thúc bởi ý tưởng này.
Những ngày cuối tháng 4/1975, tin tiền tuyến liên tục dội về với những chiến thắng vang dội. Linh cảm về một sự kiện trọng đại của đất nước dần đến, đêm 28/4/1975, niềm cảm hứng như chợt dâng trào, người nhạc sĩ bồi hồi khác thường để rồi với chiếc bút chì, mẩu giấy, dưới ánh đèn cầu thang lờ mờ, những giai điệu đầu tiên của bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” ra đời. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại, đêm đó một mình ông lẩm nhẩm những giai điệu, lời ca của bài hát, lòng đầy reo vui, mường tượng ra khung cảnh chiến thắng của dân tộc, nhưng vẫn phải sáng tác trong yên lặng vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ con.
Kết quả là, chỉ trong 2 giờ, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” được hoàn thành với lời ca ngắn gọn, súc tích: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác đây là chiến thắng huy hoàng. 30 năm đấu tranh giành độc lập non sông. 30 năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công…”. Ấn tượng nhất là đoạn điệp khúc đơn giản với giai điệu lên cao, vang vọng, đầy ý nghĩa trong ngày đại thắng: Việt Nam- Hồ Chí Minh. “Sáng tác đêm ngày 28, đến ngày 29 thì trình và được duyệt, nhưng lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chưa đồng ý phổ biến ngay vì chưa phải là thời điểm chiến thắng thực sự. Lời bài hát “30 năm… kháng chiến đã thành công” e rằng sẽ trở thành lạc quan tếu, nên phải chờ thêm”- nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ. Nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng sáng tác của ông không phải chờ lâu. Chỉ một ngày sau đó, ngày 30/4, thông tin thắng trận lan tỏa khắp đất nước. Bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” được Đài Tiếng nói Việt Nam cho thu âm và phát ngay trong bản tin lúc 17h ngày 30/4 cùng với việc công bố chính thức tin đại thắng.
Ca khúc quốc dân
Đúng ngày 30/4/1975, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” vang lên. Hàng chục triệu người dân khi đó vừa nghe vừa khóc, vừa nhẩm hát theo. Không mang tính hàn lâm, cao siêu; vừa có tính khái quát lại vừa có tính cụ thể, giai điệu đơn giản, lời hát dễ thuộc và điệp khúc “Việt Nam- Hồ Chí Minh” cứ thế vang vọng.
Bản thảo ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng
Dịp kỷ niệm 1 năm Ngày Giải phóng miền Nam năm 1976, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” tiếp tục được vang lên, không chỉ bởi Đài Tiếng nói Việt Nam mà được hát bởi mọi người dân Việt Nam. Nhà thơ Huy Cận từng chia sẻ: “Bài hát đã được người dân chọn”. Đến nay, lời nhận xét đó vẫn đúng. Chính tác giả bài hát cũng không thể hình dung được tác phẩm của mình lại có sức lan tỏa lớn và bền lâu đến thế. Vượt lên trên giới hạn phản ánh không khí của một sự kiện chính trị, bài hát như một nét tinh thần reo vui đem đến cho mọi người, hay nói đúng hơn cứ khi nào vui người ta lại nhớ và hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” và đã trở thành bài hát quốc dân từ khi nào không hay.
“Như có Bác trong ngày đại thắng” có lẽ cũng là tác phẩm thành công nhất trong số khoảng 700 sáng tác xuyên suốt cuộc đời nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát không chỉ phổ biến trong nước, mà còn được biết đến tại nhiều quốc gia như một trong những dấu ấn nhắc nhớ về cuộc kháng chiến, một nét văn hóa tiêu biểu của đất nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
An yên ở tuổi 91
Suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận rõ niềm xúc động của người nhạc sĩ khi nhớ lại những giây phút thăng hoa cùng niềm vui của toàn dân tộc cách đây 46 năm. Sinh năm 1930- nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhạc sĩ Phạm Tuyên hiện có cuộc sống an yên tại căn gác tầng 3 khu tập thể cũ trong ngõ nhỏ. Nhìn cách bài trí trong phòng khách, với cây đàn Piano được đặt ở vị trí trang trọng, cùng nhiều sách vở, tài liệu được sắp xếp ngăn nắp, chúng tôi cảm nhận rõ nét sống tinh tế của người trí thức thế hệ trước. Nhìn tập nhạc với nét viết tay đã úa màu thời gian được sắp xếp ngay ngắn cũng đủ thấy người nhạc sĩ này tỉ mỉ đến nhường nào.
Nói về cuộc sống hiện tại, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Chỉ đi lại được ở trong nhà thôi, không tự đi xuống cầu thang được, cũng mấy lần bị ngã rồi nên phải cẩn thận hơn”. Theo cách tính của người xưa, thì nay ông đã 92 tuổi nên khó tránh khỏi những vấn đề về sức khỏe, nhưng mắt ông vẫn còn đủ tinh để đọc báo, xem ti-vi, vẫn lần giở tìm đọc tài liệu khi cần. Với mức lương hưu khoảng 10 triệu đồng/tháng, KCB BHYT thì đã có chế độ của Nhà nước, trong khi con cháu đã có cuộc sống và sự nghiệp riêng, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thể an yên với cuộc sống lúc tuổi già.
Giờ đây, niềm vui nho nhỏ của ông chính là mỗi lần được nghe lại giai điệu, lời ca trong những sáng tác của mình chợt vang lên đâu đó, nhất là ở những dịp diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước. Với người nhạc sĩ đã dành cả đời cống hiến cho âm nhạc và đất nước, đó có lẽ là niềm vui lớn nhất.
Minh Lê